MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để gói tín dụng 120.000 tỉ đồng có thể rót đúng địa chỉ. Ảnh: Đình Hải

Có cơ chế giám sát để gói 120.000 tỉ đồng rót đúng địa chỉ

CAO SƠN LDO | 16/03/2023 08:30

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không chỉ giúp giải “cơn khát” của thị trường mà còn tạo hy vọng cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để hấp thụ hết số vốn, để vốn hỗ trợ đi đúng địa chỉ đang là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Một, hai năm không thể hấp thụ hết

Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành - khi trao đổi với PV Báo Lao Động. Ông Đực phân tích, với một dự án, nhất là dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cần thời gian ít nhất 3 - 4 năm. “Bất động sản khác với các ngành khác, vì muốn cất một tòa nhà chung cư phải có đất, có mặt bằng rồi đến duyệt quy hoạch, sau đó là duyệt thiết kế, thi công. Một dự án phải qua bao nhiêu công đoạn, qua bao nhiêu ban ngành phê duyệt” - ông Đực cho biết. Chính vì thế, dù các doanh nghiệp rất muốn cũng không thể hấp thụ hết được số vốn trên trong 1 hay 2 năm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chủ trương đưa gói 120.000 tỉ đồng mà 4 ngân hàng thương mại nhà nước cam kết vào Nghị quyết của Chính phủ là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Ông Hiếu cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, để giải ngân gói hỗ trợ cần thời gian nhất định bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng” cộng thêm vấn đề đáo hạn trái phiếu đang được tính bằng ngày, bằng tuần chứ không phải bằng năm. Do đó, gói hỗ trợ chưa tác động ngay, cũng chưa giải quyết được câu chuyện đáo hạn trái phiếu đang gấp gáp. Thêm nữa, với nợ xấu bất động sản hiện nay, nếu ngân hàng không giãn nợ, nhiều khoản nợ bất động sản có khả năng bị nhảy nhóm nợ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản, thị trường và cả an toàn tài chính của các ngân hàng. Đây cũng là bài toán trước mắt cần phải tìm cách tháo gỡ của cả doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.

Giám sát để vốn rót đúng địa chỉ

Liên quan đến gói tín dụng này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát để dòng vốn chảy vào đúng chỗ, đúng dự án khả thi, đúng doanh nghiệp có năng lực trả nợ, tránh xảy ra tình trạng không phải đối tượng có thu nhập thấp nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ… Những bất cập sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính sách tốt đẹp của Chính phủ.

Ông Đực cũng bày tỏ quan điểm rằng cơ quan quản lý nên đúc rút lại kinh nghiệm của gói 30.000 tỉ đồng cách đây gần 10 năm. Gói 30.000 tỉ đồng trước đây thực hiện trong 3 năm nhưng 2 năm đầu chỉ tiêu thụ được 1/3 số vốn, năm còn lại “tháo khoán” để giải ngân cho hết số tiền còn lại. Chính vì thế, ông Đực cho rằng, đã không tránh khỏi việc trục lợi gói hỗ trợ. 

Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, cách đây mấy năm, nhất là năm 2022 ông đã đưa ra cảnh báo đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. Đến nay, khi thị trường đến tình thế phải “giải cứu” thì gói 120.000 tỉ đồng này mang tính chất tình thế bởi 120.000 tỉ đồng này không chỉ dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mà có tính chất giải cứu các doanh nghiệp đang lâm nguy bởi vốn lưu động, lãi ngân hàng và lãi trái phiếu.

Chính vì thế, ông Đực một lần nữa nhấn mạnh việc phải đánh giá lại gói 30.000 tỉ đồng để thực hiện gói 120.000 tỉ đồng có chiến lược và làm chính sách tốt, sát với tình hình thực tế và có giám sát chặt chẽ, tránh đi vào “vết xe cũ” khiến tiền từ gói này rơi túi doanh nghiệp có thế lực và người giàu.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn