MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Có hiện tượng sàn BĐS câu kết "ôm hàng, thổi giá" làm nhiễu loạn thị trường

Vương Trần LDO | 14/07/2022 16:26
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Giá bất động sản nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững chiều nay (14.7), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, thị trường bất động sản có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP cả năm gần đây khoảng 11% (trong đó đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4.5%).

Trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định.

Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ và Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu một số tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Đó là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như: thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; các quy định  liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài; quy định về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản mới, bất động sản hỗn hợp, đa chức năng...

Giá bất động sản nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu/m2, giá nhà ở riêng lẻ, đất ở tại nhiều dự án rất cao, lên đến 200 triệu/m2 thậm chí hơn; giá đất ở tại khu vực trung tâm nhiều đô thị đều ở mức trên 100 triệu/m2.

Các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định; chưa đảm bảo kiểm soát đầy đủ được thông tin, tính pháp lý trong giao dịch bất động sản đặc biệt là các bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư; còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp; còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề.

Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế như: Tại một số nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”; đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường; mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và hoạt động của thị trường bất động sản.

Triển khai một dự án bất động sản phải qua khoảng 30 thủ tục lớn, nhỏ khác nhau

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hiện trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở, khu đô thị được quy định tại nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, trong đó bao gồm khoảng 10 luật chính như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Kinh doanh bất động sản… và liên quan tới nhiều luật khác.

Để triển khai một dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị phải thực hiện 5 bước chính với khoảng 30 thủ tục lớn, nhỏ khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn