MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt bằng trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) treo biển cho thuê. Ảnh: Thu Giang

"Cơn lốc" trả mặt bằng đất vàng phố cổ Hà Nội chưa dừng lại

Thu Giang LDO | 28/06/2024 10:00

Dù kinh tế đang dần khởi sắc thế nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh đắt đỏ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thời gian qua vẫn bỏ trống hàng loạt, vắng bóng khách thuê.

Trao đổi với PV Lao Động chiều 27.6, chị Lê Thị Tâm (sinh sống trên phố Hàng Bông, Hà Nội) thông tin, dù treo biển cho thuê trên phố, chào mời đủ kiểu nhưng đã mấy tháng nay mặt bằng kinh doanh vẫn không có khách thuê.

Chị Tâm chia sẻ thêm, câu chuyện nhiều khách thuê trên phố cổ Hà Nội đồng loạt trả mặt bằng khi nguồn thu không đủ chi đã diễn ra trong vài tháng nay. Theo chị Tâm, đáng buồn nhất là những nhãn hàng, thương hiệu vừa bỏ tiền thuê mặt bằng, sửa sang nội thất tại đây, tiêu tốn cả trăm triệu đồng nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn cũng phải thoái lui.

Tìm hiểu của PV Lao Động cho thấy, do không gánh nổi tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, tình trạng sang nhượng gấp để lấy lại tiền đặt cọc theo hợp đồng cũng lan rộng ra nhiều tuyến phố từng rất sôi động khác tại như Mã Mây (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) hay Kim Mã (quận Ba Đình), nhằm dịch chuyển cửa hàng sang tuyến phố khác có giá thuê hợp lý hơn.

Treo biển cho thuê một căn nhà 3 tầng trên phố Mã Mây (Hà Nội), chị Trần Thị Linh cho biết, giá thuê hiện tại của mặt bằng này là 90 triệu đồng/tháng, đã giảm mạnh so với hồi đầu năm.

Do khách thuê vừa chuyển đi nên nếu có nhu cầu thuê ngay, chị Linh có thể cân nhắc giảm bớt chi phí trong tháng đầu tiên, cho phép khách thuê đặt cọc tiền 1 tháng thay vì 3 tháng như trước kia để giảm áp lực tài chính.

Nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã chuyển địa điểm kinh doanh. Ảnh: Thu Giang

Anh Trần Hoàng (nhân viên Văn phòng môi giới bất động sản Thành Đạt, Hà Nội) chia sẻ, những mặt bằng nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội đang rất kén khách thuê vì giá thuê rất cao, trong khi tình hình kinh doanh chưa ổn định nên nhiều nhà đầu tư sẽ không dám mạo hiểm.

Thế nhưng theo anh Trần Hoàng, đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn lựa chọn mặt bằng kinh doanh nằm ở vị trí đắc địa mở các showroom, gian hàng trưng bày mẫu sản phẩm.

This browser does not support the video element.

Tình trạng trả mặt bằng xuất hiện ở nhiều tuyến phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thu Giang

Với thực tế trên, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải có sự dung hòa giữa bên cho thuê và bên thuê, từ đó tạo ra sự phù hợp cung cầu. Khi những mặt bằng nhà phố này đóng cửa, chắc chắn nguồn thu của người cho thuê giảm đi. Nhiều khách thuê sẽ có xu hướng chuyển hoạt động từ nhà mặt phố vào phía trong ngõ hoặc dịch chuyển đến nơi có giá cả phù hợp hơn.

Đề cập đến nội dung này, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chuyên trang phân tích thị trường bất động sản Batdongsan.com.vn - dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2024, những người cho thuê nhà bắt đầu phải điều chỉnh giá theo cơ chế, mức giá sẽ phù hợp hơn với những nhóm khách đi thuê.

Chuyên gia cho rằng, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các nhãn hàng nước ngoài quay trở lại Việt Nam, khi đó thị trường mặt bằng nhà phố cơ bản sẽ bắt đầu chuyển động trong những tháng cuối năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn