MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Con rể được hưởng thừa kế đất đai của bố mẹ vợ khi nào?

Hiếu Anh LDO | 28/08/2022 10:29

Thời gian qua, nhiều vụ án đau lòng từ mâu thuẫn giữa con rể với bố mẹ vợ mà nguyên nhân chủ yếu xoay quanh tranh chấp tài sản, đất đai. Vậy, con rể có được hưởng thừa kế từ bố mẹ vợ hay không?

Trao đổi với Lao Động, Luật gia Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, trước hết phải hiểu rằng, con rể hay con dâu khi chung sống với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ phải có trách nhiệm yêu thương, phụng dưỡng như con đẻ. Điều này đã được quy định tại điều 80 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: Quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng:

Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này.

Về việc thừa kế tài sản, trong đó có đất đai thì căn cứ vào Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, thừa kế sẽ có 2 trường hợp là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo luật.

Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về di chúc như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Như vậy trong trường hợp này, người để lại di chúc có thể để lại tài sản cho bất cứ ai, kể cả con rể, con dâu.

Nếu người chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp khi đó, thừa kế sẽ theo luật.

Ðiều 676 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về “Người thừa kế theo pháp luật” như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Như vậy theo quy định hiện hành thì con dâu, con rể không có quyền hưởng thừa kế.

Luật gia Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, về vấn đề này, trước đây, nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra một số ý kiến góp ý đề nghị bổ sung quy định con dâu, con rể được hưởng quyền thừa kế.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp con dâu, con rể sống chung với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ trong thời gian dài đã có nhiều đóng góp và công sức vun đắp, chăm sóc gia đình vợ, chồng và đóng góp vào khối tài sản chung. 

Không ít người vì cuộc sống hôn nhân không thuận lợi khi buộc phải ly hôn, họ phải ra đi tay trắng vì tài sản có giá trị là nhà, đất đứng tên bố mẹ vợ, hoặc bố mẹ chồng dù trước đó họ có công sức chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ vợ, bố mẹ chồng.

Tuy nhiên những ý kiến này mới chỉ được đưa ra bàn bạc mà chưa được quy định trong pháp luật hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn