MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP.Hà Nội).

Công nghệ, vật liệu tốt hơn, tại sao tuổi thọ công trình lại ngắn hơn?

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 18/11/2019 14:52
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đã chỉ ra nhiều bất cập, cũng như nghịch lý liên quan đến lĩnh vực xây dựng, như tại sao công nghệ ngày càng cao, chất lượng vật liệu tốt hơn, con người làm trong ngành xây dựng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng lại ngắn hơn trước đây?

Có công trình chưa nghiệm thu đã bị hư hỏng

Ngày 18.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Tại tổ Hà Nội, góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP.Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước những năm vừa qua có rất nhiều bất cập, rào cản từ các luật, trong đó có Luật Xây dựng. Bất cập hạn chế đó là thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp nhưng những sơ hở làm đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo còn nhiều.

Ông Hiểu nhấn mạnh, có một nghịch lý rất đáng suy nghĩ là công nghệ xây dựng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng tốt hơn, con người làm trong ngành xây dựng giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình xây dựng lại ngắn hơn trước đây, thậm chí là rất ngắn.

“Công trình Nhà hát Lớn và nhiều biệt thự thời Pháp sừng sững ở Hà Nội hàng trăm năm qua, đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao nhiều công trình hiện nay chưa nghiệm thu, chưa được quyết toán, chưa đi vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng, phải cải tạo?”- đại biểu Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi.

Ông đề nghị, cần phải thiết kế những quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng thật chặt chẽ và thông thoáng, khoa học nhưng khả thi, trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm của quốc tế, kiên quyết không để các doanh nghiệp hạn chế về năng lực thực hiện, khiến công trình bị đội vốn, chậm tiến độ.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm thực tiễn về cách thức quản lý các công trình xây dựng của khu vực tư nhân, có thể chắt lọc khái quát hóa thành quy định, để áp dụng trong lĩnh vực đầu tư công về xây dựng.  Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, định mức của ngành xây dựng cần nghiên cứu để hướng tới nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Quy rõ trách nhiệm cá nhân

Cũng góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó đoàn Nghệ An cho rằng, Luật Xây dựng ban hành từ năm 2014 đã góp phần chấn chỉnh, đưa hoạt động xây dựng vào nền nếp. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập qua quá trình phát triển mà bộ luật chưa thể đáp ứng được. Vì vậy việc điều chỉnh về luật là cần thiết.  

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Đoàn Nghệ An.

Về hướng sửa đổi, theo đại biểu Hiền, trong dự án luật lần này cần làm rõ, xác định đúng trách nhiệm của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện tốt về kiểm tra, quy hoạch, quy chuẩn, đưa ra quy định bắt buộc trong hoạt động xây dựng cần phải làm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ đầu tư là gì, trách nhiệm của cơ quan thiết kế, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thi công cũng cần làm rõ.   

“Thời gian qua có nhiều trường hợp vi phạm về lĩnh vực xây dựng chưa bị xử lý triệt để hoặc xử lý chưa nghiêm. Điều này là do trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc chưa được làm rõ. Thậm chí có những sản phẩm xây dựng trái phép, nhưng không biết xử lý thế nào,  vừa gây lãng phí cho xã hội, hoặc xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” gây biểu hiện nhờn luật”- đại biểu Hiền lấy ví dụ về công trình trái phép ở Mã Pì Lèng và cho rằng dự án luật sửa đổi cần có những quy định để khắc phục được bất cập này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn