MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cư dân AZ Thăng Long "chơ vơ" vì chủ đầu tư và nhà thầu tranh chấp kéo dài

Cường Ngô - Phan Anh LDO | 04/08/2020 09:41
Sau những phản ánh của Lao Động về nhiều sai phạm đang diễn ra tại Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long, bắt đầu hé lộ nguyên nhân khiến dự án bế tắc trong việc xử lý dứt điểm những tồn tại. Một trong những nguyên nhân chính, đó là tranh chấp "bất phân thắng bại" giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện dự án.

Cư dân khốn khổ chỉ vì chủ đầu tư mâu thuẫn với nhà thầu

AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) ở huyện Hoài Đức, Hà Nội là dự án nhà ở thương mại do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Sau thời gian đình trệ chậm tiến độ, chủ đầu tư đã "tạo điều kiện" để người dân nhận nhà và sinh sống ổn định suốt một thời gian dài, bất chấp các quy định về an toàn PCCC chưa được thực hiện, hạ tầng ngổn ngang gạch đá, hệ thống xử lý nước thải chưa được xây dựng...

Nguyên nhân chính khiến các hạng mục trên vẫn đang tiếp tục bế tắc được xác định là do mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện dự án là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Trao đổi với Lao Động, đại diện nhà thầu xác nhận có việc đổ đất, chặn lối đi khiến chủ đầu tư không thể nghiệm thu PCCC.

Ngược lại, Chủ đầu tư cũng "tố" nhà thầu không cung cấp hàng loạt các hồ sơ liên quan như quản lý chất lượng, vật liệu đầu vào, bản vẽ hoàn công, quyết toán để giải quyết dứt điểm tồn đọng.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoài Giang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam thừa nhận việc đổ nhiều xe đất sau toà nhà. Nguyên do là Chủ đầu tư nợ Nhà thầu 50 tỉ đồng, trong đó, Chủ đầu tư đã gán sàn thương mại tầng 5 (hơn 30 tỉ đồng) ở toà AZ Lâm Viên (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) cho Nhà thầu nhưng đến giờ vẫn chưa chịu bàn giao.

Đồng thời, vật đem ra gán nữa là 10 căn hộ chung cư AZ Thăng Long đã ký hợp đồng bán cho Nhà thầu nhưng Chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng BIDV, phía Chủ đầu tư chưa giải chấp nên tài sản không còn là của Chủ đầu tư (về vấn đề này, Chủ đầu tư lại khẳng định đã giải chấp - PV).

Không những vậy, Chủ đầu tư còn nợ 2,5 tỉ đồng chưa trả được (đại diện Nhà thầu giải thích thêm, thực chất khoản nợ là 3,7 tỉ đồng nhưng Nhà thầu "chia sẻ" với Chủ đầu tư 1,2 tỉ đồng)

"Tôi yêu cầu Chủ đầu tư giải quyết hết công nợ cho Nhà thầu, khi hoàn thành việc thanh toán nghĩa vụ tài chính, ngay lập tức chúng tôi sẽ xử lý đống đất đó, đồng thời trả hồ sơ, chứng từ liên quan cho nhà đầu tư" - ông Giang nói.

Đùn đẩy trách nhiệm khi gặp sự cố

Chủ đầu tư đục tường lấy lối đi sau khi nhà thầu đổ đất. Ảnh: Phan Anh

Sự tranh giành giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu còn kéo theo việc né trách nhiệm khi cả hai bên đều khẳng định nếu chẳng may có xảy ra cháy nổ sẽ không phải trách nhiệm của mình. Theo ông Nguyễn Hoài Giang, việc toà nhà AZ Thăng Long chưa được nghiệm thu PCCC, "nhưng chủ đầu tư vẫn đưa dân vào ở là vi phạm pháp luật" nên sẽ không chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Đại diện Nhà thầu còn khẳng định, trong thời gian tới, Nhà thầu sẽ tạm giữ, phong tỏa phần mặt bằng khối nối tòa nhà A1.1 và A1.2 (tức là toàn bộ khối nối đi lên các tầng để xe, các sàn để xe từ tầng 1 đến tầng 6) tại dự án AZ Thăng Long.

Đại diện Nhà thầu cũng cho biết đã thông báo đến từng hộ dân về việc họ phải di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực để xe của dự án. "Trường hợp hộ dân nào không di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi dự án, mà phối hợp với Chủ đầu tư cản trở chúng tôi thì hộ dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông Giang nói thêm.

Phản bác ý kiến của ông Giang, ông Đỗ Xuân Hiểu - Phó tổng giám đốc Công ty AZ Thăng Long (đơn vị trực tiếp được Chủ đầu tư giao quản lý Dự án AZ Thăng Long) cho biết, vì nhà thầu cố tình cản trở Chủ đầu tư phối hợp với cơ quan chức năng nghiệm thu PCCC, nếu không may xảy ra hoả hoạn, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất là nhà thầu.

Còn về chuyện cư dân toà nhà phải di chuyển phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực để xe của dự án, ông Hiểu nói: "Đố ai đuổi được cư dân đi".

Mâu thuẫn giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu chưa giải quyết được, cư dân sống tại đây thực chất là "sống chui", bởi các tòa nhà chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn, đủ điều kiện cho người dân dọn vào ở một cách hợp pháp. Cư dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, tâm trạng bất an do bị chặn lối đi, thiết bị thường xuyên bị hư hỏng và thấp thỏm lo cháy nổ xảy ra.

Trong khi đó, chính quyền huyện Hoài Đức dường như vẫn đứng ngoài cuộc khi nguy cơ mất an toàn chưa biến thành sự thật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn