MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cụm công nghiệp Long Xuyên vượt thỏa thuận, trách nhiệm thuộc về ai?

Hiếu Anh LDO | 03/12/2022 06:00

Như Báo Lao Động đã thông tin, năm 2020, UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập Cụm công nghiệp Long Xuyên vượt diện tích gần 10.000m2 so với thỏa thuận của chính đơn vị này với Bộ Công Thương. Dự án cũng đang chậm tiến độ. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Đã nhìn ra khuyết điểm

Trước tình trạng các dự án cụm công nghiệp chậm tiến độ, 17.3.2022, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - ký ban hành Kế hoạch 89/KH-UBND về việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố Hà Nội được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021. Trong đó, UBND Thành phố Hà Nội chỉ đích danh Cụm công nghiệp Long Xuyên.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội tự mình chỉ ra khuyết điểm như sau: “Quá trình triển khai thực hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn còn rất chậm so với tiến độ đã đề ra. Những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách như: Quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai và năng lực triển khai dự án của một số chủ đầu tư nên hầu hết cụm công nghiệp chưa đủ điều kiện để khởi công theo quy định”.

UBND Thành phố Hà Nội điểm danh 41 cụm công nghiệp chậm triển khai. Trong đó, có dự án Cụm công nghiệp Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp này là Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Ân.

Từ việc chỉ ra những hạn chế, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ khởi công, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng đề nghị xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung hợp lý.

Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Cụm công nghiệp Long Xuyên khởi công vào ngày 30.4.2022. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.  

Dự án cụm công nghiệp Long Xuyên vẫn chỉ nằm trên giấy. Ảnh: Hiếu Anh

Cần làm rõ trách nhiệm

Một vấn đề rất đáng bàn là UBND TP.Hà Nội đã quyết định thành lập Cụm công nghiệp Long Xuyên vượt gần 10.000m2 so với thỏa thuận với Bộ Công Thương. Vậy, trách nhiệm của vấn đề thuộc về ai?

Đối chiếu khoản 5 Điều 35 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã phân rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương như sau: "Thanh tra, kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy hoạch, chính sách, pháp luật, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp; xử lý kiến nghị của các địa phương về cụm công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP cũng quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau: “Phê duyệt quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, các cơ chế, chính sách, kế hoạch hoạt động phát triển cụm công nghiệp, đề xuất đầu tư cụm công nghiệp theo đối tác công tư sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo”.

Cần sớm làm rõ trách nhiệm trong việc chậm triển khai dự án cụm công nghiệp Long Xuyên. Ảnh: Hiếu Anh

Đối với quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP như sau: “Xây dựng, trình và tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định, quy chế, các chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện về việc thành lập cụm công nghiệp tại khoản 1 Điều 44. Cụ thể như sau: Cấp huyện có trách nhiệm đề nghị quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn; đảm bảo các điều kiện cần thiết cho Trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc Ban Quản lý cụm công nghiệp cấp huyện hoạt động hiệu quả.

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ về việc xử phạt trong hoạt động cụm công nghiệp. Tại khoản 2 Điều 45 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, xin gia hạn nhiều lần, vi phạm pháp luật bị xem xét xử lý theo quy định”.

Như vậy có thể nói, pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc xử lý các dự án cụm công nghiệp không triển khai, dự án xin gia hạn nhiều lần, dự án vi phạm pháp luật...

Cụ thể với Cụm công nghiệp Long Xuyên, UBND huyện Phúc Thọ có trách nhiệm trong việc đề nghị thành lập. Sở Công Thương Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương có trách nhiệm trong việc thẩm định, kiểm tra giám sát. Tuy nhiên sau nhiều năm, dự án cụm công nghiệp này vẫn đang nằm trên giấy. Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn