MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhãn hàng "tháo chạy" khỏi trung tâm thương mại ở Hà Nội cuối năm. Ảnh: Thu Giang

Cuối năm, nhiều thương hiệu rời bỏ trung tâm thương mại khu đất vàng Hà Nội

Thu Giang LDO | 21/12/2023 06:59

Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội đang mất dần khách thuê do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh dịp cuối năm.

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 20.12, nhiều trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như Royal City, Vicom Nguyễn Chí Thanh... đang rơi vào cảnh ảm đạm, vắng vẻ. Lượng khách đến mua sắm giảm rõ rệt dù đang bước vào tháng cao điểm cuối năm.

Trung tâm thương mại Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vắng khách do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh dịp cuối năm. Ảnh: Thu Giang

Chị Lê Thị Hoa (nhân viên bán hàng tại trung tâm thương mại Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, sau giai đoạn dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng có thói quen mua sắm, đặt đồ trực tuyến. Chính vì vậy, không ít nhãn hàng tại trung tâm thương mại này phải trả lại ki-ốt, mặt bằng khi lượng khách mua sắm ngày càng giảm sút.

Theo chị Lê Thị Hoa, nhiều sàn thương mại điện tử cuối năm liên tục tung ra các mã giảm giá, miễn phí vận chuyển gây áp lực không nhỏ đến các nhãn hàng phải thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ ở trung tâm thương mại, các tuyến phố Hà Nội...

"Công ty chúng tôi đang kinh doanh mặt hàng quần áo, thời trang tại trung tâm tâm thương mại Hà Nội.

Tuy nhiên, nhận thấy lượng mua sụt giảm mạnh trong năm 2023 đến 30-40% so với năm ngoái nên đơn vị đang có kế hoạch trả lại mặt bằng kinh doanh để chuyển sang kinh doanh trực tuyến" - chị Lê Thu (đại diện nhãn hàng thời trang ở một trung tâm thương mại trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) nói.

Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội đang mất dần khách thuê, khó thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Thu Giang

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - thông tin, tình hình chung cả nước hiện nay là sức mua kém, giảm sút rõ rệt so với trước dịch COVID-19.

Ông Điệp cho rằng, cuối năm 2023, lượng lớn doanh nghiệp tại Hà Nội đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính, thận trọng khi đưa ra các quyết định trung hạn như mở rộng chi nhánh, mặt bằng kinh doanh.

Nhiều nhãn hàng chuyển mặt bằng khỏi trung tâm thương mại Hà Nội. Ảnh: Thu Giang

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, người dân cũng đang có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, đồng thời giá các mặt hàng hầu hết đã tăng. Phần lớn người tiêu dùng cũng chuyển dịch sang mua sắm online, có người giao hàng tận nơi, tiết kiệm thời gian.

Đây là thực trạng đáng buồn của thị trường bán lẻ hiện nay không chỉ ở trung tâm thương mại mà còn ở các khu chợ truyền thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn