MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đa dạng hình thức bồi thường bằng đất

CAO NGUYÊN LDO | 02/11/2022 13:30
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều nội dung quy định về việc đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.
Nhiều quy định mới trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: CAO NGUYÊN
Hóa giải nỗi lo

Nội dung về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một điểm mới được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được trình lên Quốc hội.

Bởi lẽ, trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu đồng thuận trong công tác đền bù, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Đơn cử suốt 3 năm nay, gần 300 hộ dân thuộc Khu tái định cư 8,5ha, 2,3ha và 2,1ha, thuộc tổ 13, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn kiên trì gửi đơn đến Bộ Xây dựng, TP.Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Viện Quy hoạch Kiến trúc... để kiến nghị di dời quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ Vành đai 3 - QL32, khoảng hơn 3km.

Bà Vũ Thị Thục, một người dân sống tại đây cho biết, khi Nhà nước chủ trương mở rộng QL32, gia đình bà đồng thuận di dời nhường đất mở đường.

Sau đó, gia đình vay gần 1 tỉ đồng để hoàn tất thủ tục quyền sử dụng đất, xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên, khi ngôi nhà tái định cư xây chưa được bao lâu, bà Thục hốt hoảng khi biết tin mảnh đất có nguy cơ bị thu hồi để phục vụ trục Hồ Tây - Ba Vì.

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước

Để khắc phục tình trạng như trên, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.

Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.

Cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng).

Bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo diện tích tái định cư tối thiểu và các cơ chế điều tiết cho người có đất bị thu hồi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Hỗ trợ cho người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất.

Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có đất bị thu hồi; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi  để đảm bảo khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng, những quy định liên quan tới phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi. Ngoài ra khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

Trong khi đó, theo TS Trần Xuân Lượng (Đại học Kinh tế Quốc dân), chính sách đền bù, tái định cư trong quá trình GPMB thực chất là việc Nhà nước hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống khi đất đai bị thu hồi phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng.

“Dự thảo cho thấy, Nhà nước đang quan tâm sâu sắc về đền bù tái định cư trước khi triển khai thu hồi mặt bằng. Nó được hiểu là người dân sẽ ổn định trước, ổn định tại chỗ, lâu dài, không phải là di dời tái định cư theo kiểu mang dân từ chỗ này đến chỗ khác” - ông Lượng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn