MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung sụt giảm mạnh do dịch COVID-19, đã đến lúc thị trường cần có sự điều chỉnh giá bán cho phù hợp với thực tế thu nhập người dân

Đã đến lúc doanh nghiệp bất động sản giảm giá bán nhà để tự cứu mình?

Gia Miêu LDO | 01/04/2020 11:50

Theo báo cáo mới nhất về thị trường nhà ở TPHCM trong quý I/2020 của Công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL), nguồn cung căn hộ tại TPHCM vốn dĩ đã khan hiếm vì các vấn đề pháp lý, giờ càng khan hiếm hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Báo cáo này cho thấy các sự kiện tiền mở bán phải hoãn lại khiến nguồn cung căn hộ chỉ đạt khoảng 2.256 căn, mức thấp nhất từ năm 2014. Khoảng 80% tổng nguồn cung mới thuộc phân khúc bình dân và trung cấp. Số lượng tiền mở bán cũng bị chậm lại với khoảng 70% bị hoãn lại do dịch bệnh. Nguồn cung sụt giảm khiến thanh khoản trong quý I/2020 chỉ đạt 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với số liệu ghi nhận vào thời điểm quý IV/2019 cũng như quý I/2019. Thanh khoản này chỉ bằng khoảng 54% trên tổng lượng hàng sẵn có trong quý I/2020, cũng là mức thấp nhất kể từ quý II/2017. 

Đánh giá chung toàn thị trường, theo JLL, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng sẽ bị tác động và trì hoãn, dẫn đến lượng bán dự kiến thấp hơn so với dự báo trước đây. Đặc biệt, tác động của đại dịch COVID-19 lên giá có thể chưa được cảm nhận rõ ràng trong quý này vì ảnh hưởng từ sự thiếu hụt nguồn cung vẫn còn. Hơn nữa, những nhà đầu tư vẫn cố gắng giữ mức giá mà họ đã lập ra từ trước khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, các chính sách kích cầu có thể cần được xem xét. 

Giá nhà đang “thoát ly” ra khỏi thu nhập của người dân đô thị 

Trong bản đánh giá về hệ quả nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, tình hình thị trường bất động sản trong nước sẽ nằm trong xu thế sụt giảm chung, buộc các doanh nghiệp phải có giải pháp để tồn tại. Hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản...

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Châu, bên cạnh việc chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp nên nghiên cứu việc giảm giá bán nhà hay tái cơ cấu doanh nghiệp là hai giải pháp để tự cứu mình trước.

Theo Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian. Đồng thời, xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm này, TS Trương Huy Mai – RMIT cho rằng vấn đề mà các nhà phát triển bất động sản cần nhìn nhận lại trong thời gian này đó là làm thế nào để người trẻ, người thu nhập thấp mua nhà? Giá nhà đang "thoát ly" ra khỏi thu nhập của người dân đô thị. Vấn đề này được liên tiếp đưa ra gần đây trong các hội thảo hay cả trong những báo cáo của các hiệp hội bất động sản. Khi vấn đề được đặt lên tính toán, tìm giải pháp thì nhà giá rẻ lại đang mất dần sự liên hệ với thị trường. Thị trường “lãng quên” nhà giá rẻ bởi đà phục hồi quá nhanh, không kiểm soát được bước giá. Giảm giá nhà phải được thực hiện để đưa thị trường trở về mức cân bằng đồng thời còn là giải pháp an sinh xã hội. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn