MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng). Ảnh: BTC

Đại diện Bộ Xây dựng nêu tiềm năng phát triển công trình xanh

Minh Ánh LDO | 23/11/2023 18:04

Theo đại diện Bộ Xây dựng, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Nếu so sánh với trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng mỗi năm, số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ.

Tiềm năng lớn khi phát triển công trình xanh

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) nhận định tại Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" do CafeF tổ chức tổ chức ngày 22.11, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn rất lớn.

Đại diện Bộ Xây dựng dẫn chứng số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham về Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023. Theo đó, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.

Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng 15 năm. Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III/2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Nếu so sánh với trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng mỗi năm, thì số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ.

Cơ hội lớn để Việt Nam lựa chọn tăng trưởng xanh

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận để thúc đẩy phát triển xanh.

Cụ thể, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, để thay đổi một mô thức phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó, nguồn lực chuyển đổi là tốn kém nhất và Việt Nam có thể cần tới 200 - 300 tỉ USD cho việc này.

Chuyên gia này nhận định, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển. Lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực.

“Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên” - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh. Với cam kết lớn như vậy, Việt Nam đương đầu với những thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội để tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ để có thể “đi sau về trước”.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh trong lĩnh vực bất động sản, đại diện Gamuda Land cho biết, doanh nghiệp này coi giá trị cốt lõi để có được thành công đó là phát triển gắn với bảo tồn thiên nhiên. Thực tế này đã được triển khai tại các dự án ở Hà Nội và TPHCM của Gamuda Land.

Theo đó, chủ đầu tư luôn áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến để bảo tồn thiên nhiên, như trồng cây trong vườn ươm, xử lý nước thải theo chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng mặt trời, dùng hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho cây trồng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn