MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, giúp công nhân "an cư lạc nghiệp"

Nhóm PV LDO | 14/11/2022 15:07

Thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi) sáng 14.11, đại biểu Quốc hội đề xuất cần có chính sách ưu đãi với trường hợp xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động thuê, nhằm làm tăng nguồn cung cho đối tượng này. 

Có chính sách ưu đãi với trường hợp xây nhà cho công nhân

Cho rằng khâu quản lý, quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động đang còn bất cập, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Ninh Thuận) đề nghị, cần đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của công nhân, người lao động. 

Cụ thể, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Trong đó, cần xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tùy theo nhu cầu thực tế và định hướng phát triển của từng địa phương.

Đại biểu đề xuất cần có chính sách ưu đãi với trường hợp xây nhà cho công nhân và người lao động thuê nhằm làm tăng nguồn cung cho đối tượng này. 

Đại biểu cũng đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi để khắc phục chồng chéo giữa Luật đất đai với Luật đầu tư, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận quỹ đất hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Góp ý về phát triển quỹ đất, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) chỉ rõ, dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới trong cơ chế phát triển quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư đảm bảo đồng bộ, giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn.

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất thực tiễn.

Thời gian qua, mô hình trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo lập quỹ đất hoạt động còn mang tính cục bộ.

Các cơ chế tài chính cho hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn thiếu cơ chế về huy động và phát triển nguồn vốn đủ mạnh, thiếu sự hỗ trợ và tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất.

Từ những phân tích trên, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị sửa đổi Luật đất đai lần này cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt là có cơ chế huy động hỗ trợ nguồn vốn cũng như trình tự thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo luật nên thiết kế một điều quy định rõ về phương thức thực hiện dự án phát triển quỹ đất.

Việc xác định giá đất theo thị trường, ai sẽ định giá?

Về giá đất, đại biểu Đoàn Thị Hảo tán thành với quy định của dự thảo Luật Đất đai bỏ quy định khung giá đất chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường và đánh giá đây là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử.

Đại biểu cũng đề nghị, cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của Hội đồng thẩm định; tăng tỉ lệ thành viên Hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia tư vấn độc lập.

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong định giá đất.

Ngoài ra, làm rõ trong trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án tổ chức kinh tế hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư không và quy trình thực hiện như thế nào?

Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chính xác đầy đủ nội dung này.

Trả lời bên hành lang Quốc hội về việc trong thời gian qua, có nhiều vùng đất "treo", dự án "treo" vì đơn vị được giao đất sử dụng, thực hiện các dự án chưa thống nhất được với người dân ở địa phương về giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng sát với thực tế thị trường, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn trong việc xác định giá đất theo thị trường, ai sẽ định giá?

Các trường hợp đặt ra là nếu một nhóm người nào đó có tiềm lực kinh tế định ra giá đất và Nhà nước giám sát việc định giá đó hay Nhà nước có đủ khả năng khắc chế việc định giá của nhóm người đó để tự đặt ra được giá đất sát với giá thị trường một cách khách quan?

Nếu không có cơ quan xác định giá đất một cách minh bạch thì có thể diễn ra cuộc chạy đua giữa các nhóm lợi ích và điều này sẽ gây tốn kém tài chính cho các nhà đầu tư.

"Khi giá đất tính theo thị trường do một nhóm lợi ích nào quyết định thì cũng có thể dẫn đến việc tham gia đầu tư vào thị trường đất đai sẽ không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản chân chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn