MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biên bản làm việc giữa bà Đinh Thị Anh và cán bộ phường Tân Phú ghi nhận UBND TP.Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho UBND phường Tân Phú đối với mảnh đất gia đình bà đang khiếu nại.

Dân đang khiếu nại, thành phố đã cấp đất cho phường

NAM DƯƠNG LDO | 02/11/2019 11:44

Báo Lao Động số ra ngày 6.9 có bài “Cho chính quyền mượn đất làm trụ sở rồi... mất?”, phản ánh trường hợp bà Đinh Thị Anh (sinh năm 1934, ở khu phố 2, phường Tân Phú, quận 7, TP.Hồ Chí Minh), có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng và Báo Lao Động suốt gần 20 năm nay về việc gia đình bà cho mượn đất xây dựng trụ sở văn phòng bảo vệ khu phố, nhưng sau đó không được trả lại.

Đã cấp cho phường

Quá trình khiếu nại của bà Anh, ngày 3.3.2003, Văn phòng HĐND và UBND Quận 7 đã có thông báo số 41/TB-VP, trong đó có ý kiến của ông Tô Đại Phong - Phó Chủ tịch UBND Quận 7 khi đó, chỉ đạo UBND Phường Tân Phú tổ chức họp tổ dân phố để xác định nguồn gốc đất mà ông Trần Văn Cần (chồng bà Anh, hiện đã chết năm 2007 - PV) xin được quản lý, sử dụng phần đất trên với lý do đây là đất của gia đình ông Cần được cha ông để lại, sau đó cho mượn để xây trụ sở văn phòng bảo vệ khu phố, nhưng bị tranh chấp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Phường Tân Phú chưa họp tổ dân phố để xác minh nguồn gốc đất và gia đình bà Anh vẫn tiếp tục khiếu nại đến nhiều nơi.

Điều bất ngờ lớn nhất là mặc dù gia đình bà Anh liên tục khiếu nại từ nhiều năm nay, chưa được giải quyết thỏa đáng, nhưng mới đây, sau khi báo Lao Động đăng bài phản ánh vụ việc, ngày 18.10, bà Anh đến phường khiếu nại tiếp thì mới “tá hỏa” khi được biết mảnh đất trên đã được UBND TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho UBND phường Tân Phú từ ngày 31.12.2013. Đồng thời, cán bộ Phường Tân Phú cũng hướng dẫn bà Anh liên hệ với UBND TP.Hồ Chí Minh để khiếu nại.

Lãnh đạo phường phớt lờ pháp luật?

Một điều rất đáng nói trong vụ việc này là phường Tân Phú không biết vì sao đã né tránh, không trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật. Ngày 27.8, chúng tôi đã đến UBND phường Tân Phú để tìm hiểu thông tin.

Ông Nguyễn Tấn Đạt - nhân viên văn thư của phường Tân Phú - đã photo đơn của bà Anh, tài liệu và ghi lại số điện thoại di động của chúng tôi “để báo cáo với lãnh đạo phường trả lời, vì các anh đến đột xuất”. Nhưng sau đó, UBND phường Tân Phú không có phản hồi.

Sau khi Báo Lao Động đăng bài báo nói trên vào ngày 6.9, thì đến ngày 10.9, ông Huỳnh Hữu Phúc - cán bộ địa chính của Phường Tân Phú - đã gọi điện thoại đề nghị chúng tôi cho thời gian khoảng 2 tuần chuẩn bị hồ sơ và lãnh đạo phường sẽ trả lời báo chí. Tôn trọng lời đề nghị trên, chúng tôi đã chờ đợi, nhưng một lần nữa, phía Phường Tân Phú vẫn không có hồi âm.

Ngày 15.10, chúng tôi gọi điện thoại lại cho ông Phúc để hỏi về việc trả lời cho báo chí liên quan đến đơn khiếu nại của người dân, ông Phúc tiếp tục cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo phường, nhưng đến nay Phường Tân Phú cũng không trả lời. Sáng 28.10, chúng tôi liên hệ lại với ông Đạt, ông Đạt cho biết “đã chuyển hồ sơ đến lãnh đạo phường từ lâu rồi và để nhắc lại lãnh đạo phường”.

Trong khi đó, Khoản 5, Điều 38 Luật Báo chí 2016, có hiệu lực từ 1.1.2017, quy định: “Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường”. Cụ thể hóa điều này, Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có UBND cấp phường, xã. Như vậy, không hiểu UBND Phường Tân Phú không biết quy định của pháp luật hoặc biết mà lờ đi, né tránh trả lời cho cơ quan báo chí?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn