MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vướng tiền sử dụng đất là điểm nghẽn mà nhiều dự án chờ tháo gỡ. Ảnh: Gia Miêu

Dần tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản vướng pháp lý

Bảo Chương LDO | 20/08/2023 11:18

Tình trạng nghẽn khâu tính tiền sử dụng đất đang ảnh hưởng rất lớn đến các dự án bất động sản và chính quyền TPHCM đang rất nỗ lực để tháo gỡ.

Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi tại buổi họp Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (lần 4) liên quan đến vấn đề về điều chỉnh dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star tại số 360 đường Xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, TP Thủ Đức của Công ty Cổ phần Đầu tư Metro Star. Theo kết luận, Kiểm toán Nhà nước đã xem xét giải trình và thống nhất không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của khu đất số 360 Xa lộ Hà Nội khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Chi cục Tài chính doanh nghiệp đã rà soát, có ý kiến cụ thể về pháp lý, trình tự thủ tục đã thực hiện và thẩm quyền liên quan việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng dự án và ý kiến của thành viên Tổ Công tác về pháp lý quá trình thực hiện dự án phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan tại thời điểm ban hành. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của Sở Tư pháp, tham mưu, đề xuất UBND thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này theo quy định hiện hành, trình UBND Thành phố.

Trước đó, Công ty Metro Star kiến nghị TPHCM và cho biết, dự án được nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần công trình Giao thông công chánh từ năm 2015 theo đúng quy định pháp luật là Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10.9.2015 của Chính phủ. Dự án Metro Star cũng đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ diện tích khu đất, được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài. Do Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, Công ty Metro Star thực hiện điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 điều chỉnh và nộp hoàn toàn đầy đủ tất cả hồ sơ cập nhật lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong số các dự án bị vướng chờ tháo gỡ trên địa bàn thành phố, tình trạng dự án nằm bất động vì nghẽn khâu tính tiền sử dụng đất diễn ra khá phổ biến. Cụ thể như dự án Khu dân cư Phú Thuận tại Quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn (Công ty Anh Tuấn) làm chủ đầu tư. Sau hơn 12 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty Anh Tuấn đã triển khai rất nhiều phần việc để được phê duyệt tỷ lệ 1/500, cũng như thi công hạ tầng, các tiện ích cho dự án. Sau đó, công ty thực hiện chuyển nhượng nền đất cho khách hàng và tiến hành các thủ tục để cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất), từ đó doanh nghiệp có cơ sở thực hiện nghĩa vụ của với Nhà nước. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, việc này vẫn chưa được giải quyết. Từ năm 2017, công ty đã nộp hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường xin được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án, đồng thời chủ động liên hệ với các sở, ngành khác, với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, đến nay, các vướng mắc của dự án vẫn chưa được giải quyết.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, hiện có hơn 50% dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do khó xác định phương pháp định giá đất theo giá thị trường. Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, trong thực tế kể từ khi Nghị định 44/2014/NĐ-CP có hiệu lực, đa số các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị đều có giá đất cao hơn mức 30 tỉ đồng so với bảng giá đất của địa phương, nên tất cả các địa phương chủ yếu áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điển hình tại TPHCM từ ngày 1.7.2014 (ngày Nghị định 44 có hiệu lực) đến nay, đã thực hiện tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 320 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị và đã áp dụng phương pháp thặng dư đối với 280 dự án, chiếm đến 87,5%. Vì vậy, HoREA đề nghị giữ lại phương pháp thặng dư để tính tiền sử dụng đất, nếu không tình trạng ách tắc của các dự án hiện nay khó tháo và dự án mới càng khó khăn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn