MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đằng sau thành công của Sun Group: Xây dựng sự chuyên nghiệp, đẳng cấp từ những điều đơn giản

LINH LINH LDO | 05/09/2017 17:07
“Chỉ cần những nụ cười chân thật của người bản xứ là đủ để một du khách cảm mến và tương tư một đất nước hơn bất kỳ khẩu hiệu chiến dịch tuyên truyền nào khác” - lời trích dẫn khép lại tham luận của ông Hoàng Việt Cường - Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Báo Lao Động phối hợp cùng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức là thông điệp ngắn gọn nhưng hàm súc trong nỗ lực tạo nên đẳng cấp, chất lượng của du lịch Việt Nam.

10 năm nỗ lực “đánh thức” những vùng đất giàu tiềm năng

Chứng kiến 10 năm kể từ khi Sun Group trở về nước (2007) có thể thấy Tập đoàn này đã chú trọng lấy lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí làm lĩnh vực đầu tư chiến lược. Đặc biệt là tìm đến những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm.

Lấy dẫn chứng từ khu nghỉ mát Genting World Resort nổi tiếng của Malaysia, ông Hoàng Việt Cường - Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group so sánh: “Bình quân hằng ngày có từ 3.000 đến 4.000 lượt du khách đến Genting, lúc cao điểm lên đến 8.000 lượt du khách, mang về doanh thu cỡ 2 tỉ đô mỗi năm.

Điều đó nghĩa là trung bình mỗi năm, khu nghỉ dưỡng này có thể đón số lượng khách lượng khách tương đương với huyện Tam Đảo ở Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, về doanh thu thì Tam Đảo chỉ đạt vỏn vẹn 115 tỉ đồng (tương đương hơn 5 triệu đô Mỹ).

Trong khi đó, xét về điều kiện tự nhiên, Tam Đảo có thể nói là hơn hẳn cao nguyên Genting”. Đưa ra những câu chuyện phát triển du lịch ngoạn mục của các nước láng giềng để thấy rằng nếu đầu tư bài bản, theo tiêu chí đẳng cấp, khác biệt, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Tập trung vào các tiêu chí này, thực tế cho thấy Sun Group đã luôn chú trọng đầu tư vào các tổ hợp du lịch - dịch vụ và nghỉ dưỡng tại các địa phương để tạo ra những sản phẩm tốt, kích thích du khách tới trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn.

Có thể kế đến những cái tên như: Khu nghỉ dưỡng ba năm liền 2014, 2015, 2016 được vinh danh sang trọng bậc nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất Châu Á năm 2017, Sun World Ba Na…

Đại diện của Sun Group cũng cho biết đang tiếp tục đầu tư tại Bà Nà như: Lâu đài, cầu đi bộ trên không dài nhất thế giới do chính tay kiến trúc sư lừng danh Peter Wyss, người đã thiết kế cây cầu Langkawi, một trong mười cây cầu nổi tiếng nhất thế giới, thiết kế.

“Ngay cả việc xây dựng tại Việt Nam những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng quy mô lớn như hiện tại Tập đoàn Sun Group đang triển khai tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Thơm (Phú Quốc), cũng là một minh chứng cho việc du lịch Việt Nam đang “bắt kịp xu thế” thế giới.

Tương lai, khi những tổ hợp này được hoàn thiện, chúng ta cũng sẽ có một Phú Quốc đẹp không kém Maldives và thậm chí có nhiều điều thú vị hơn, một Hạ Long sánh ngang tầm với Bali, Phuket” - ông Cường tràn đầy hy vọng.

Đẳng cấp và khác biệt đến từ những điều nhỏ nhất

Đằng sau những thành công hiện tại, ông Cường chia sẻ, ngay tại các khu vui chơi giải trí và điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng thuộc Sun Group, chúng tôi luôn xác định, chất lượng, đẳng cấp và sự khác biệt phải đến từ những điều nhỏ nhất. Cần tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch.

Thật vậy, khi đến Sun World Ba Na Hills nếu tinh ý một chút sẽ thấy có riêng một quy trình đón khách khuyết tật, hay như ở Fansipan Sapa còn có cả hoạt động vì môi trường, tất cả CBNV cùng nhau làm sạch môi trường quanh khu du lịch, đu dây nhặt rác ở quanh đỉnh Fansipan. Xanh, sạch, văn minh trong thái độ đón tiếp khách có lẽ chính là những yếu tố tạo nên đẳng cấp, chất lượng, hình ảnh tốt đẹp cho du lịch Việt Nam trong lòng du khách.

Ông Cường cho biết, chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay, nếu không thay đổi cung cách, thái độ của người làm du lịch và cộng đồng.

Giải pháp mỗi một cá nhân nhỏ lẻ muốn góp phần phát triển du lịch Việt Nam có thể làm chỉ đơn giản là... cười. Ông Cường cũng nói thêm, trong tương lai, Sun Group vẫn kiên định đi theo định hướng trên, xác định sẽ lấy “đẳng cấp, chất lượng và sự khác biệt” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Có thể khẳng định, để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn