MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân ở tuyến công nghiệp Cổ Chiên bên cạnh những căn nhà dột nát. Ảnh: PV

Đất cấp 2 sổ đỏ, dân khổ sở vì bị lôi vào kiện tụng

TRẦN LƯU - HƯNG THƠ LDO | 11/09/2019 07:24
Tỉnh thu hồi đất giao cho doanh nghiệp (DN) thực hiện dự án, nhưng do đền bù thấp nên người dân phản đối. Trong lúc đất chưa “sạch”, chính quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) cho DN. Nhưng DN lại không thực hiện dự án mà mang sổ đỏ đi thế chấp, rồi mất khả năng thanh toán khiến ngân hàng kiện ra tòa. Người dân cũng bị lôi vào vòng kiện tụng...

1 mảnh đất, 2 sổ đỏ

Tháng 10.2003, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký phê duyệt phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng khu 4 - tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Gần 1 năm sau (tháng 4.2004), chính quyền ban hành quyết định thu hồi hơn 30ha đất tại xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) và xã Mỹ An (huyện Mang Thít) giao cho Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long quản lý. Tiếp đó, năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ký quyết định thống nhất bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án với các mức giá đền bù: 34.500 đồng/m2 (đất lúa), 40.500 đồng/m2 (đất vườn) và 45.000 đồng/m2 (đất thổ cư).

Ông Quan Tứ Cao (ngụ ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức) cho hay, gia đình ông có hơn 5.000m2 nằm trong quy hoạch khu 4 - Tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Hiện, căn nhà của ông xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không dám sửa chữa vì vướng quy hoạch. Do giá đền bù quá thấp, nên gia đình ông Cao không đồng ý giao đất cho chính quyền. “Gia đình tôi đang cầm trong tay sổ đỏ của miếng đất, nhưng doanh nghiệp cũng được chính quyền cấp 1 sổ đỏ khác” - ông Cao bức xúc.

Không phải riêng ông Cao mà ở Thanh Đức, nhiều hộ không chấp nhận việc thu hồi đất. Đến năm 2011, sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, ông Cao cùng 8 hộ dân khác khởi kiện hành chính đối với UBND tỉnh Vĩnh Long vì cho rằng giá bồi thường quá thấp. Sau 2 phiên tòa sơ thẩm bị thua kiện, ông Cao cùng các hộ khác tiếp tục kháng cáo lên TAND Tối cao (nay là cấp cao) tại TPHCM. Đơn vị này đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long, trả hồ sơ giải quyết lại.

Cấp đất để làm dự án hay để thế chấp ngân hàng?

Trong lúc người dân chưa đồng ý giao đất, những bức xúc chưa được giải quyết dứt điểm, thì UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao hơn 3ha đất thu hồi của các hộ dân, giao cho Cty TNHH MTV Biofeed 2 để làm dự án sản xuất thức ăn cho cá. Tuy nhiên, công ty này không triển khai dự án mà đem sổ đỏ đi… thế chấp ngân hàng. Sau thế chấp, phía ngân hàng đã khởi kiện DN ra TAND TP.Vĩnh Long vì mất khả năng thanh toán.

Tổng số nợ gốc và lãi mà công ty trên nợ ngân hàng đến tháng 3.2019 là gần 40 tỉ đồng. “DN đã mang sổ đỏ được cấp trên phần đất của gia đình chúng tôi đang quản lý để thế chấp ngân hàng, rồi nợ nần, kéo chúng tôi vào vụ kiện. 10 năm qua, chúng tôi quá khổ sở” - ông Quan Phát Cao (ngụ ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức) nói.

Ông Phạm Thành Khôn - Trưởng BQL các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long - cho biết, việc thu hồi đất và thực hiện cấp quyền sử dụng đất đều do Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh thực hiện. Lãnh đạo BQL các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, chính quyền chưa thực hiện xong công tác thu hồi, chưa bàn giao đất “sạch” cho Cty TNHH MTV BioFeed 2. Vì DN không triển khai được dự án, tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, nên ngân hàng phải đưa tài sản ra phát mãi?

Liên quan đến vụ việc này, khi được báo chí liên hệ, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - nói rằng: Không biết việc này, sẽ cho kiểm tra trả lời báo chí sau.

Tuyến công nghiệp Cổ Chiên gồm khu 4 và khu 5, với 150 hộ dân bị ảnh hưởng thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít. Hiện ở khu 4, còn 20 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn