MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghĩa trang Môm Hội với những vị trí đã bị phân lô, chiếm dụng dù chưa có mộ phần. Ảnh: Tô Công

Đất nghĩa trang bị phân lô, chiếm dụng, chính quyền địa phương đau đầu xử lý

Tô Công LDO | 24/05/2024 10:30

Thực trạng quản lý, sử dụng đất trong và xung quanh các nghĩa trang tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có nhiều bất cập kéo dài. Dù sai phạm đã từng khiến lãnh đạo UBND xã phải “xộ khám”, nhưng hệ lụy để lại khiến bộ máy chính quyền hiện tại phải đau đầu xử lý.

Người sống phân lô, “ôm” trước đất của người chết

Nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng phân lô, chiếm dụng đất trong và ngoài các nghĩa trang trên địa bàn, những ngày giữa tháng 5, PV Báo Lao Động đã đến đây để tìm hiểu, ghi nhận thực tế.

Anh Nguyễn Ngọc Hoa - người dân sống tại xã Xuân Lũng kể, mẹ của anh mất cách đây hơn 1 tháng, thời điểm đó, anh Hoa gặp nhiều khó khăn để tìm nơi chôn cất cho mẹ mình, khi các ô đất nghĩa trang xung quanh khu vực anh sinh sống đều đã có chủ.

“Do người ta đã chiếm dụng và mua bán cho nhau hết, nhiều nghĩa trang dù chưa có mộ nhưng đã được xây khoanh lại, đổ bêtông kiên cố, tức là đã có chủ. Sau khi đi hỏi nhiều người, tôi được một bác họ hàng giúp đỡ, bố trí được chỗ chôn cất cho mẹ ở nghĩa trang Môm Hội, tốn 5 triệu đồng tiền xây dựng” - anh Hoa chia sẻ.

Để ghi nhận thực tế, phóng viên Báo Lao Động đã đến một số nghĩa trang lớn tại xã Xuân Lũng để tìm hiểu. Tại nghĩa trang Môm Hội (gần đường trục chính của xã, cách UBND xã Xuân Lũng khoảng 300m), nếu chỉ nhìn qua, sẽ thấy nghĩa trang này giống như đã kín chỗ, nhưng thực tế có rất nhiều vị trí được xây dựng tường bao, đổ bêtông kiên cố dù chưa có mộ phần.

Tại nghĩa trang Rừng Giữa, phóng viên gặp bà Bình - người dân sống tại khu 8, xã Xuân Lũng đang canh tác nông nghiệp trên một ô đất đã được quây kín bằng bêtông. Bà Bình chia sẻ, khu vực này là đất 5% của xã quản lý, hằng năm các hộ vẫn duy trì đóng sản (phí sử dụng đất).

"Đất 5% xã giao cho các hộ trồng màu, sau đó xã có nghị quyết chuyển sang đất nghĩa trang, thế là như hội luôn, mỗi nhà vài ô, giá thì càng ngày càng tăng. Hiện tại, để mà mua thì không còn nữa, vì người ta đã mua hết rồi. Nhiều năm trước, nhà tôi mua 2 mảnh với giá 13 triệu đồng từ người khác, bây giờ thì phải đắt gấp 5, gấp 7 lần" - bà Bình chia sẻ.

Món hàng béo bở mang tên "đất nghĩa trang"

Trong vai người tìm mua đất nghĩa trang, phóng viên tìm đến gặp ông Nguyễn Ngô Long (nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Lũng) - người được dân giới thiệu là có đất nghĩa trang để bán.

Dẫn phóng viên đến nghĩa trang Rừng Cây Da, ông Long chia sẻ, mình là chủ sở hữu của mảnh đất 50 năm rộng hàng nghìn mét vuông ven nghĩa trang này. Cùng với đó, để khách hàng tin tưởng, ông Long tiện thể chỉ các vị trí (hiện đã có các mộ phần) mà ông đã từng bán cho các đại gia ở địa phương, lãnh đạo "trên tỉnh".

"Chỉ cần có nhu cầu mua đất xây mộ, muốn bao nhiêu cũng có. Nếu mua 100m2 thì giá 1,5 triệu đồng/1m2, mua diện tích lớn hơn thì giá sẽ thấp hơn" - ông Long nói.

Khi được hỏi về việc nếu như xây mộ tại đất chưa được quy hoạch đất nghĩa trang, liệu tương lai có vì một lý do nào đó có phải đào mộ lên, di chuyển mộ chỗ khác hay không, ông Long trả lời: "Không, đất cạnh nghĩa trang thì chỉ là nghĩa trang thôi, tất cả nó là luật bất thành văn rồi".

Thậm chí, ông Long cho hay, ông còn có dịch vụ san gạt mặt bằng, đổ bêtông và xây tường bao nếu khách hàng cần: "Chỉ cần đặt cọc trước một phần tiền, tôi làm mặt bằng và xây dựng cho, không phải lo lắng gì. Thực ra ủy ban họ không cho làm đâu, nên phải lách luật từ từ, mà lách luật thế nào thì là việc của tôi".

Ông Long chỉ cho phóng viên diện tích đất mình sở hữu, các ô đất ông đã bán cho khách hàng. Ảnh: Tô Công

Đau đầu vì lịch sử để lại

Trao đổi với phóng viên, bà Phùng Thị Phương Loan - Chủ tịch UBND xã Xuân Lũng - thừa nhận, những thông tin mà phóng viên phản ánh là những tồn tại trong công tác quản lý đất nghĩa trang đã có từ lâu, chính quyền địa phương đang phải rà soát, tháo gỡ dần.

Bà Loan kể, thời điểm khoảng năm 2010, HĐND xã đưa ra một nghị quyết sai. Theo đó, đối với những nghĩa trang hình thành sai, diện tích mộ phần vượt quá quy định thì sẽ được đo đạc và được xã "hỗ trợ" (bán cho người dân), việc mua bán được hợp thức hóa.

Sau khi nghị quyết sai đó được ban hành, có nhiều hộ dân có đất đã mua đi bán lại dân sự với nhau; đã có những đơn từ, kiên tụng và được tòa án thụ lý giải quyết; Chủ tịch UBND xã (ông Long) và địa chính thời điểm đó đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (đã chấp hành xong án tù).

"Đến năm 2020, xã đã thu hồi lại nghị quyết đó, nhưng hệ lụy của nó đã khiến UBND xã hiện tại mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục, tháo gỡ từng việc một, riêng việc rà soát đất rừng và đất 5% đến nay đã đạt 70%" - bà Loan chia sẻ.

Theo cán bộ địa chính xã Xuân Lũng, dựa vào quy hoạch sử dụng đất ở thời điểm hiện tại, khu vực đất rừng thuộc sở hữu của ông Long không thể chuyển sang thành đất nghĩa trang.

Chính quyền địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát biến động xung quanh nghĩa trang Rừng Cây Da nói riêng và các nghĩa trang khác trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn