MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đất nông nghiệp khác thuộc nhóm đất nông nghiệp. Ảnh minh hoạ: Phan Anh

Đất nông nghiệp khác có lên thổ cư, xây nhà được không?

Tuyết Lan (T/H) LDO | 09/07/2023 06:44

Đất nông nghiệp khác thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp khác được làm gì?

Theo Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp khác thuộc nhóm đất nông nghiệp, được dùng để sử dụng vào các mục đích:

- Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất.

- Xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép.

- Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm.

- Ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Như vậy, đất nông nghiệp khác vẫn mang những đặc điểm của đất nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, khác với các loại đất nông nghiệp khác, đất này sẽ được sử dụng để dùng vào các mục đích nêu trên.

Theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về ký hiệu các loại đất theo phân loại nhóm đất của Luật Đất đai 2013 tại bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính, đất nông nghiệp khác có ký hiệu là NKH.

Đất nông nghiệp khác có được lên thổ cư, xây nhà không?

Đất thổ cư thực chất là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ đất ở, đây là loại đất dùng để xây nhà ở, xây dựng công trình đời sống. Do đó có thể hiểu chuyển từ đất nông nghiệp khác lên đất thổ cư tức chuyển từ đất nông nghiệp khác lên đất ở để xây dựng nhà ở, công trình.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định người dân được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp (đất thổ cư - đất ở) nhưng thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có quyền, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng để ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp khác sang đất thổ cư.

Tóm lại, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp khác được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép.

Muốn xây nhà trên đất nông nghiệp khác, phải làm gì?

Người sử dụng đất muốn chuyển từ đất nông nghiệp khác sang đất thổ cư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp khác sang đất thổ cư như sau:

- Hồ sơ gồm các giấy tờ:

Đơn xin chuyển mục đích sử dụng theo mẫu số 01.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT)

- Quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Lựa chọn một trong hai cách sau:

Cách 1: Nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện trong trường hợp địa phương đã thành lập bộ phận một cửa.

Cách 2: Trường hợp địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 4: Xử lý hồ sơ

- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

- Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 05. Trả kết quả

Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.

* Thời gian thực hiện:

- Tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).

- Tối đa 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn