MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụm công nghiệp Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, Phúc Thọ) cũng đã thu hồi đất ruộng khá lâu nhưng chưa triển khai. Ảnh: Khánh Linh

Đất ruộng thành đô thị bỏ hoang, nhiều dự án vẫn chờ... trên giấy

Khánh Linh LDO | 12/10/2023 07:58

Mang trong mình những hy vọng thay đổi bộ mặt của vùng ngoại thành Thủ đô, thì nay, những cái tên nửa tây, nửa ta, những biển hiệu “mọc” lên từ năm 2008 vẫn im lìm trên bãi cỏ.

Hàng loạt dự án “treo” cả thập kỷ

Cùng với sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ trong 15 năm qua, thực tế Hà Nội vẫn gặp phải một căn bệnh “lãng phí”. Nhiều khu vực, nhà máy hứa hẹn được xây dựng tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân khi sáp nhập địa giới hành chính nhưng sau 15 năm vẫn chưa triển khai.

Những ngày tháng 10, phóng viên Lao Động có mặt tại các xã Đại Thịnh, Tiền Phong thuộc huyện Mê Linh - nơi có nhiều dự án được hứa hẹn sẽ mang lại những tiềm năng lớn cho bất động sản vùng ngoại đô thời điểm sáp nhập.

Theo ghi nhận tại Khu đô thị (KĐT) Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), hạ tầng giao thông đã được đầu tư hoàn thiện nhưng luôn trong tình trạng vắng bóng người qua lại. Phần lớn diện tích đất tại đây đang bị bỏ hoang, chỉ xuất hiện lác đác một vài biệt thự được xây dựng, diện tích còn lại cỏ mọc um tùm.

Chỉ tay về phía những bãi cỏ xanh um cao ngang người, ông Nguyễn Văn Thích - người dân xã Tiền Phong, huyện Mê Linh chia sẻ: "Tôi nhớ hồi đó vào khoảng 2004, các đơn vị ồ ạt về đây thu mua đất ruộng với mục đích phục vụ cho phát triển đô thị mới. Ở thời điểm đó, những hộ dân có đất nằm trong quy hoạch được đền bù với mức gần 18 triệu đồng/sào và được cấp thêm đất dịch vụ. Lúc đó ai cũng phấn khởi, người người, nhà nhà bán đất rồi cầm tiền sửa nhà, mua xe".

Thế nhưng, theo ông Thích, hy vọng làng sẽ trở thành phố chưa được bao lâu thì nỗi thất vọng tràn về, khi các dự án thi công kiểu nửa vời, rồi bị bỏ hoang, chỉ để cho cỏ mọc.

"Gần 20 năm nay, các dự án vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Điển hình như tại KĐT Hà Phong, chủ đầu tư đã phân lô, đầu tư xây dựng các hạ tầng cơ bản như điện, đường... nhưng chỉ có lác đác vài hộ dân chuyển vào sinh sống, phần lớn còn lại là đất để hoang. Rồi tiền đền bù thì đã tiêu hết mà dự án vẫn chưa thấy đâu. Người dân không còn đất canh tác thì đi vào trong khu vực nội thành làm xe ôm, bán hàng rong, làm giúp việc, hoặc công nhân vệ sinh môi trường, người trẻ hơn thì lại xin đi làm công nhân..." - ông Thích chia sẻ.

Cách đó không xa, KĐT Diamond Park - một trong những dự án đã từng được coi là niềm hy vọng của nhiều lao động thu nhập thấp - nhưng nay cũng bị “bỏ xó”.

Bà Nguyễn Ngọc Anh (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi có hơn 2 sào đất lúa. Đến khoảng năm 2010-2011, chủ đầu tư của dự án The Diamond Park đã thu mua toàn bộ diện tích đất của gia đình và nhiều hộ dân trong vùng. Theo lời họ thì chỗ đó sẽ xây dựng một KĐT dành riêng cho người thu nhập thấp".

Nhưng suốt nhiều năm, ngoài việc xây dựng hệ thống giao thông trong nội khu, toàn bộ dự án vẫn nguyên vẹn là bãi đất trống, không có bất kỳ chuyển biến đáng kể. Mặc dù được gắn mác là KĐT dành cho người thu nhập thấp nhưng hoạt động phân lô, bán nền được chủ đầu tư thực hiện và chào bán với giá không hề rẻ.

"Rất hy vọng chính quyền, các cơ quan, ban ngành cùng phối hợp với chủ đầu tư dự án The Diamond Park sẽ sớm tìm ra phương án giải quyết triệt để tình trạng này, tìm được hướng đi hiệu quả. Chứ cứ bỏ hoang như vậy thực sự rất lãng phí" - bà Ngọc Anh nói.

Không chỉ các KĐT bỏ hoang, nhiều khu công nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cũng theo ghi nhận, tại Cụm công nghiệp Tam Hiệp (Phúc Thọ), dù đã lấy đất nông nghiệp của dân nhiều năm nay, song hiện vẫn chưa có bất cứ động tĩnh gì của việc xây dựng.

Khu đô thị The Diamond Park - một trong những dự án đã từng được coi là niềm hy vọng của nhiều lao động thu nhập thấp nhưng nay bị “bỏ xó”. Ảnh: Khánh Linh

Hà Nội cần “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ngày 5.7 mới đây, theo Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh, qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000ha.

Sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai thực hiện, thành phố đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000ha). Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước ngày 31.12.2023.

Ông Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - chia sẻ, sau 15 năm mở rộng Hà Nội, các đơn vị đang thực hiện rà soát đánh giá quy hoạch cũ và đề xuất định hướng điều chỉnh quy hoạch mới. Trong vấn đề quy hoạch, cũng cần thay đổi tư duy, cần bắt nhịp và ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng những phát minh, sáng chế để nâng cao hiệu quả công việc.

Ông Ánh nói, tháng 4.2023, Chính phủ công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể Quốc gia, là căn cứ để lập các quy hoạch ngành, không gian biển, sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng, địa phương. Chính vì vậy Hà Nội điều chỉnh quy hoạch không thể cứ tiếp tục tư duy cũ, vẽ theo lối cũ mà cần “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn