MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hội thảo về định cư tại Mỹ được các Cty môi giới di trú tổ chức. Ảnh: PV

Đầu tư bất động sản ra nước ngoài có đáng lo?

THÔNG CHÍ LDO | 11/09/2019 11:19
Dự án Luật Đầu tư sửa đổi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Theo cơ quan soạn thảo, riêng kinh doanh bất động sản, đã có 262 dự án vốn đăng ký khoảng 9.000 tỉ đồng ra nước ngoài nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để cư trú tại nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật nêu ra vậy là không phù hợp với quyền tự do đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí nếu kiểm soát chặt có thể vi phạm thô bạo quyền tự do đầu tư.

Lo ngại tiền, tài sản chạy ra nước ngoài

Tại hồ sơ gửi Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động bỏ vốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước. Do đó, bộ này đã đề xuất đưa ngành này vào diện đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, cùng với 5 ngành, nghề khác, gồm: Ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; khoa học và công nghệ; báo chí, phát thanh, truyền hình. Riêng kinh doanh bất động sản là ngành, nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, bởi theo báo cáo giải trình, hiện phần lớn dự án trong lĩnh vực này do cá nhân đăng ký thực hiện (gồm 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD, tương đương gần 9.000 tỉ đồng) nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài và đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước “Việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Với số tiền 390,9 triệu USD tiền dịch chuyển ra nước ngoài kinh doanh bất động sản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thấp hơn nhiều so với số tiền các tổ chức nước ngoài tiết lộ. Cụ thể, cuối năm 2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố trong báo cáo Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017, người Việt đã bỏ ra 3 tỉ USD (tương đương gần 70.000 tỉ đồng) để mua nhà ở Mỹ, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ. Tổ chức này đánh giá, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới. Việt Nam đã đứng trong danh sách này 5 năm liên tiếp, từ năm 2013 đến nay.Tuy nhiên, ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có đính chính rằng việc người Việt chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ chỉ là thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc của Mỹ qua phiếu điều tra, không có cơ sở xác định.

Vi phạm quyền tự do đầu tư?

Trao đổi với PV Lao Động, một doanh nhân đang tìm kiếm cơ hội mua nhà tại Úc cho rằng, ông thật sự lo ngại với từ ngữ “không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. “Nếu cá nhân dùng “tiền bẩn” do tham nhũng, vi phạm pháp luật để mua nhà nước ngoài thì chuyện đó đương nhiên cấm, thậm chí phải xử lý hình sự. Còn họ dùng những đồng tiền do công sức chính đáng làm ra, được pháp luật bảo hộ để mua nhà, mua tài sản ở nước ngoài lại không khuyến khích, thậm chí làm khó họ mua nhà nước ngoài khi liệt vào diện kinh doanh có điều kiện thì không thể chấp nhận. Hiện tại, hàng vạn người nước ngoài tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nếu các nước cũng không khuyến khích công dân họ mua nhà, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thì dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sẽ ra sao, kinh tế của Việt Nam thế nào? Điều này hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế” - vị này nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam - cho rằng, khó có thể chấp nhận việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra quan điểm không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản và đưa đầu tư bất động sản ra nước ngoài vào diện đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. Theo ông Đính, với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn đầu tư ở nước ngoài, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bước cản cho doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn với cá nhân đầu tư bất động sản ở các nước như Mỹ, Úc, Châu Âu thì cũng không dễ bởi các nước kiểm soát rất chặt do lo ngại rửa tiền, bởi vậy, dựng thêm hàng rào ngay trong nước sẽ làm khó khăn hơn cho nhu cầu chính đáng của người Việt muốn mua nhà nước ngoài. “Xét góc độ cả cá nhân hay doanh nghiệp thì việc này đều không chấp nhận được” - ông Đính phân tích.

Người Việt mua nhà ở Mỹ bằng cách nào?

Theo khảo sát của PV Lao Động tại các công ty môi giới cho người Việt mua nhà tại Mỹ, có 3 cách để công dân Việt Nam có thể sở hữu nhà tại quốc gia này. Thứ nhất, lấy “thẻ xanh” đẩy nhanh tiến độ. Thứ hai, đầu tư vào dự án ở Mỹ, thường là các doanh nhân muốn hợp pháp hóa việc chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư ban đầu. Thứ 3 là chuyển tiền bằng kênh không chính thức. Với hình thức này, người mua nhà phải trả thêm một khoản phí vài phần trăm từ tổng số tiền muốn gửi. Tuy nhiên, các công ty tư vấn cảnh báo, cũng phải xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện cách này vì vẫn có nguy cơ bị mất trắng nếu chưa hiểu rõ nguồn gốc và mức độ tin cậy. T.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn