MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng khởi sắc

THU GIANG LDO | 30/11/2022 11:00

Sự phục hồi trở lại của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trong thời gian gần đây đang là tín hiệu tích cực để ngành bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi, thu hút các doanh nghiệp lớn tái đầu tư, mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hoạt động đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng đang khởi sắc trở lại. Ảnh: Thu Giang
Triển vọng tăng trưởng tốt

Không còn cảnh ảm đạm như thời điểm dịch COVID-19, chị Trần Thanh Hương (SN 1990, quản lý khách sạn Hanoi Hotel) cho rằng, lượng khách du lịch gần đây đã tăng trưởng mạnh khi bước vào mùa du lịch cao điểm cuối năm. Hiện doanh nghiệp cũng đã tăng cường thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng, tuyển dụng thêm nhân viên thời vụ, buồng phòng để phục vụ du khách chu đáo hơn.

"Với lượng khách tăng trưởng đều đặn, là doanh nghiệp làm trong ngành du lịch - khách sạn, chúng tôi cũng đang nỗ lực để cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước"  - chị Trần Thanh Hương chia sẻ.

Phía Savills Hotels cũng cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài đang rất chú trọng mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ số lượng dự án du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là số lượng khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế hoặc khu vực.

Nếu trong năm 2010, số khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế mới dừng lại ở 33 thì sang năm 2019, con số đã tăng lên 74. Dự kiến, trong năm 2022 Việt Nam sẽ có khoảng 160 khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch, gấp 2 lần so với năm 2019, sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19.

Thị trường phục hồi nhanh chóng

Lý giải về sự hấp dẫn của bất động sản nghỉ dưỡng thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, với lượng khách du lịch ngày càng tăng, thị trường khách sạn và khu nghỉ mát của Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Điều này đã vô tình biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường nghỉ dưỡng được nhắc đến nhiều nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19 là 85 triệu lượt).

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đạt 2,357 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch bệnh.

Trong báo cáo của Fitch Solutions cũng dự kiến lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ đạt doanh thu 11,1 tỉ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỉ USD năm 2019.

Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỉ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến đất nước. Fitch Solutions nhấn mạnh, đây là triển vọng tốt cho các quốc gia muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC cũng nhận định, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, ngành khách sạn đang trong giai đoạn chuyển giao.

Đây là thời kỳ mà thị trường phải trải qua những khó khăn tạm thời, tuy nhiên những thách thức này sẽ đặt ra nền móng cho các cải thiện mang tính lâu dài, giúp thị trường định hình rõ ràng, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý vận hành.

Ngoài ra, hoạt động của các khu nghỉ dưỡng ven biển đang khôi phục chậm hơn so với kỳ vọng, trong khi đó, nhiều khách sạn tại TPHCM và Hà Nội đang ghi nhận mức cải thiện lớn trong hoạt động kinh doanh.

Theo ông Mauro Gasparotti, phân khúc khách công vụ, khách lưu trú dài hạn và các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp với hội thảo) đang có xu hướng tăng trưởng rất tốt. Một số khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam cũng đang ghi nhận kết quả hoạt động khá tích cực.

Điều này cho thấy những sản phẩm chất lượng, quản lý vận hành tốt vẫn có tệp khách hàng tương ứng ngay cả trong những giai đoạn thị trường vẫn còn đang biến động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn