MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) đã chỉ ra bất cập trong lĩnh vực xây dựng hiện nay.

"Đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước là "anh em" với tham nhũng đất đai"

Đặng Chung LDO | 27/11/2019 15:27

Chỉ ra thực trạng của việc vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan, không có ai chịu trách nhiệm, đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) cho rằng điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều cử tri cho rằng “lĩnh vực đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước là anh em song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai”.

Cần “đoạn tuyệt” với việc phạt cho tồn tại

Sáng 27.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ngoài việc đánh giá cao dự án luật sửa đổi lần này đã tập trung và khắc phục cơ bản một số bất cập, như đã bỏ một số thủ tục hồ sơ cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép từ 30 ngày xuống 20 ngày, 15 ngày đối với nhà đơn lẻ…, các đại biểu cũng dẫn chứng những bất cập trong thực tế về lĩnh vực xây dựng và đề nghị cần có giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai), Luật Xây dựng mang sứ mệnh xem như là luật cốt lõi tác động đến nhiều luật khác. Nếu Luật Xây dựng sửa đổi không tốt sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân phá vỡ nhiều thành quả của các luật khác.

Ông đề nghị, Quốc hội nên sửa đổi toàn diện, chặt chẽ và đồng bộ Luật Xây dựng với các luật liên quan, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp thay vì chỉ sửa đổi bổ sung một số điều như hiện nay. Bởi thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều câu chuyện về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã và đang tồn tại và được xem như là “căn bệnh kinh niên".

“Luật sửa đổi lần này cần phải xử lý khắc phục việc buông lỏng kỷ cương, trật tự xây dựng, đoạn tuyệt với việc phạt cho tồn tại như xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, sai phép, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch mà chỉ nhà nước là thua thiệt, dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đội vốn, chất lượng công trình hạn chế hoặc khi xây dựng xong không sử dụng được; các chung cư cao tầng xây lên tại trung tâm thành phố gây ra quá tải, nhiều hệ lụy như mất an toàn cháy nổ, kể cả động đất nếu xảy ra…

Nhiều cử tri cho rằng, lĩnh vực đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước là anh em song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, là lĩnh vực người dân bị hành nhất, nhưng nhiều công trình sai phạm vẫn đang tồn tại. Việc này do không ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin người dân”- đại biểu Đinh Duy Vượt nêu thực tế.

Làm rõ cán bộ, công chức có trách nhiệm thẩm định thế nào?

Thảo luận về dự luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng đồng quan điểm với đại biểu Vượt, cho rằng tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra ở nhiều nơi, nhưng lúng túng trong việc xử lý, nguyên nhân là do quy định về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đang bị lập lờ và chồng lấn.

“Tôi kiến nghị trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng lần này cần quy trách nhiệm xem quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm của ủy ban nhân dân địa phương hay thanh tra xây dựng ngành, để tránh chồng lấn.

Chẳng hạn, trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng và quy hoạch là của cơ quan, chính quyền địa phương. Nếu trong quá trình xây dựng phát hiện sai phạm thì chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra làm sáng tỏ, đưa ra hình thức xử lý. Sau khi xây dựng xong thì thanh tra sẽ kiểm tra lại, thanh tra lại, nếu phát hiện ra sai phạm mà chính quyền địa phương không phát hiện được thì lúc đó quy trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương.

Đồng thời, cần nêu rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước có liên quan”- đại biểu Cường kiến nghị.

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương).

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) thì dẫn ra các vụ việc sai phạm xây dựng ở 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, hay mới đây nhất vụ xe container kéo sập cầu đường bộ ở TPHCM để nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khâu thẩm định hồ sơ.

“Vụ xe container kéo sập cầu đường bộ ở TPHCM mới đây, khi xảy ra mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế.  Như vậy khi thẩm định dự án thì cán bộ, công chức có trách nhiệm thẩm định thế nào? Thẩm định phê duyệt cái gì khi không có hồ sơ?" - đại biểu Nhân nêu câu hỏi. 

Ông cho rằng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong khi luật lại không quy rõ trách nhiệm, hoặc chồng chéo "quyền anh, quyền tôi", đến lúc  xử lý thì không biết gắn trách nhiệm cho ai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn