MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các luật mới được triển khai sẽ giúp hỗ trợ sớm cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội. Ảnh: Nam Long

Để doanh nghiệp không còn nản lòng khi làm nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 28/06/2024 15:25

Hàng loạt chính sách mới được ban hành, kỳ vọng sẽ tháo gỡ về thủ tục, chính sách, tài chính để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.

Tại TPHCM, từ năm 2021 đến quý I/2024 chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 865 căn xây xong, còn 6 dự án đang triển khai. Ngược lại, trong danh sách chờ gỡ vướng pháp lý có đến 37 dự án với số lượng lên đến 35.000 căn hộ.

Ai cũng biết làm nhà ở xã hội thì sẽ được ưu tiên nhiều và chí ít thủ tục cũng phải dễ thực hiện, tinh gọn hơn so với nhà ở thương mại. Nhưng điều mọi doanh nghiệp đều ngán ngại, kể cả làm nhà ở xã hội, vẫn là hai chữ "thủ tục".

Chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại TPHCM cho biết, dù có đất, nhưng mất đến 5 năm dự án vẫn chưa xong thủ tục để xây dựng. Lãi suất cho vay thương mại bình quân khoảng 13%/năm, phải chờ 5 năm, lãi phát sinh chóng mặt, sao có thể giảm được giá thành cho người mua nhà ở xã hội.

Hay như việc hiện nay chủ đầu tư muốn làm dự án nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin miễn các loại tiền này. Đây là điểm khiến nhiều chủ đầu tư gặp vướng mắc lâu nay, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài.

Ví dụ như một dự án nhà ở xã hội do Công ty Lê Thành thi công, bàn giao xong cho người mua, nộp đơn xin được miễn tiền sử dụng đất, nhưng từ 2019 đến nay, công ty vẫn chưa nhận được quyết định, do chưa hoàn thành việc tính tiền sử dụng đất.

Nói thêm về nhưng vấn đề còn khó khăn với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, tại một hội nghị liên quan tới câu chuyện định giá đất, một vấn đề đang khá nóng hiện nay, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành đã nêu ra một số vấn đề.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, nhà ở xã hội có quy định doanh nghiệp tự tìm đất và bồi thường, đất đó không được tính vào giá thành vì nhà ở xã hội do Nhà nước cấp. Doanh nghiệp bồi thường xong, Nhà nước sẽ trả lại tiền cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lợi nhuận 10%, nhưng tiền bồi hoàn chờ hoài. Một dự án đầu tư 500 tỉ đồng, lợi nhuận 10% là 50 tỉ đồng, trong đó tiền bồi thường hàng trăm tỉ, nhưng chờ hoài không được hoàn trả, kéo dài từ năm này qua năm nọ. Gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Dẫn đến câu chuyện lợi nhuận dự án không phải lời 10% do không được hoàn trả kịp thời tiền bồi thường.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, trong tính tiền sử dụng đất, một vướng mắc rất lớn là Nhà nước trừ lại tiền bồi hoàn cho doanh nghiệp theo giá nào? Trong thực tế, doanh nghiệp bồi thường cho người dân theo giá thị trường, nhưng Nhà nước lại bồi hoàn theo bảng giá đất thì doanh nghiệp lỗ.

"Đây là điểm trọng yếu nhất trong tính giá. Dự án 2.000 tỉ, bồi thường 500 tỉ đồng, tiền bồi thường cao thì người dân có tiền mua được nơi ở tốt hơn. Nhưng khi tính tiền trả lại cho doanh nghiệp thì chỉ có thể tính 100 tỉ đồng. Doanh nghiệp lỗ ngay 400 tỉ đồng. Vậy nếu tính đúng và tính đủ thì nên trừ lại cho doanh nghiệp theo giá thị trường. Mong cơ quan Nhà nước tính lại chỗ này", ông Nghĩa cho hay.

Hiện tại, các doanh nghiệp mong đợi Luật Nhà ở 2023 sớm được triển khai sẽ cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội được miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng, thuê đất, giúp gỡ vướng mắc cho các dự án phân khúc này.

Việc phát triển nhà ở xã hội cũng kỳ vọng sẽ thông thoáng, bổ sung nhiều ưu đãi chủ đầu tư dự án, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Nhưng điều quan trọng là các quy định mới đó phải được triển khai trong tâm thế mới, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người lao động muốn an cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn