MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất cắt dịch vụ thiết yếu đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng

Đặng Chung - Cao Nguyên - Trần Vương LDO | 23/05/2020 18:05
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải  Long An – đề xuất cần có chế tài mạnh mẽ như cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm.

Xử lý sai phạm xây dựng còn chậm

Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 23.5, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đồng tình với việc cần sửa đổi Luật Xây dựng để phù hợp với thực tiễn, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng là lĩnh vực người dân bị hành nhất, nhưng nhiều công trình sai phạm vẫn đang tồn tại. Việc này do không ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin người dân. 

Vì thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng lần này phải ngăn chặn được tình trạng này.

Theo Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An,  ông còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của một số điều quy định trong dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Thực tế thời gian qua cho thấy việc xử lý sai phạm xây dựng còn chậm. Nguyên nhân do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư 05/2017/TT-BTC còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

Nhiều công trình xây dựng trái phép đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Có công trình được chủ đầu tư sang nhượng cho nhiều người. Trong khi đó, việc tổ chức khảo sát, lập phương án tháo gỡ còn chậm, như việc thực hiện xử lý sai phạm của công trình 8B Lê Trực (Hà Nội).

Từ những thực tế này, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kiến nghị: Cần có quy định chế tài mạnh mẽ như cắt điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.

"Truy" trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp cơ sở để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng

Cũng góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho rằng,  về cơ bản Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua việc vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Lý do là việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quốc hội

“Chính vì vậy việc sửa đổi luật lần này phải phù hợp và theo kịp thực tiễn vận động của xã  hội. Trước hết, cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp cơ sở đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Việc xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ quy trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc quản lý trật tự xây dựng” - đại biểu Cao Đình Thưởng góp ý.

Ông cũng cho rằng, việc xử phạt hành chính bằng  tiền trong lĩnh vực xây dựng ít mang tính răn đe.  Ví dụ mức phạt được áp dụng tối đa trong lĩnh vực xây dựng hiện nay là 1 tỉ đồng. Nhưng nếu xây dựng vượt thêm 1 tầng, chủ đầu tư bán thêm được vài chục căn hộ và số tiền lợi nhuận thu được có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng. “Vì lý do này mà chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để được hợp thực hóa phần sai phạm của mình”- ông Thưởng nói.

Để khắc phục tình trạng này, Đại biểu Thưởng kiến nghị cần tăng mức xử phạt đối với các hành vi xây dựng trái phép, tránh tình trạng “phạt cho tồn tại” dẫn đến “nhờn luật”. Đồng thời cần sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự, văn bản pháp luật khác theo hướng quy trách nhiệm liên đới đối với cơ quan cấp phép xây dựng nếu để xảy ra việc xây dựng sai phạm trên địa bàn mình quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn