MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên.

Đề xuất cho chuyển nhượng dự án bất động sản để tạo dòng tiền, nguồn cung

ANH HUY LDO | 26/03/2023 08:00

Việc cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 để các doanh nghiệp được thỏa thuận chuyển nhượng dự án có thể giúp doanh nghiệp tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.

Gần 2 năm qua, nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai, dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước.

Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, các dự án mới được cấp phép trong năm 2022 tiếp tục giảm so với năm 2021. Tình trạng nguồn cung bất động sản khan hiếm được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm nay.

Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) dự báo, quý I/2023, nguồn cung mới trên thị trường bất động sản ước giảm 80% so cùng kỳ năm trước. Còn nguồn cung thứ cấp mới ước tăng 15%, song phần lớn đến từ các dự án có quy mô lớn đã triển khai.

Thực tế, thị trường bất động sản trong tháng đầu tiên năm 2023 không có dự án sơ cấp mới được triển khai, nguồn cung tiếp tục nhỏ giọt.

Trước tình hình trên, Chính phủ cùng các Bộ ngành đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm tạo nguồn cung cho thị trường này.

Trong văn bản mới gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Hiệp hội nhận thấy, khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Đề xuất giải pháp về chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên.

Tuy nhiên, theo ông Châu nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đặt thêm yêu cầu bên chuyển nhượng phải “đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án” nên không thông thoáng bằng nội dung Nghị quyết 42.

Chính vì vậy, HoREA nhận thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà tài sản đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Nghị quyết 42 trong thời gian qua rất suôn sẻ, đã chứng minh tính hiệu quả và tính ổn định của cơ chế, chính sách thí điểm này.

“Như vậy nên rất cần thiết được luật hóa để áp dụng chung nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công bằng”, ông Châu nhấn mạnh.

Vị này nói thêm, việc thực hiện Nghị quyết 42 rất có lợi cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp là dự án bất động sản và lại càng có lợi cho các doanh nghiệp đã gây ra khoản nợ xấu này (chỉ là thiểu số doanh nghiệp).

Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện lại nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

Nếu được áp dụng, các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn