MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư mini nở rộ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Đề xuất chung cư mini có từ 20 căn hộ trở lên phải lập dự án đầu tư

Cao Nguyên LDO | 28/09/2023 06:34

Chất lượng căn hộ chung cư mini hiện nay không đảm bảo quy chuẩn xây dựng. Ngoài ra, hệ thống PCCC chưa đảm bảo ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ khi xảy ra tranh chấp, an ninh lỏng lẻo…

Chung cư mini sẽ đi đâu về đâu?

Cách đây 5 năm, với số tiền chưa tới 1 tỉ đồng, anh Trần Phúc Kháng (33 tuổi, quê ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định) không đủ tài chính để mua căn chung cư thương mại. Vì vậy, anh đã chọn mua chung cư mini ở ngõ Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) với diện tích khoảng 40m2. Diện tích nhỏ nhưng phù hợp với hai vợ chồng và một đứa con 2 tuổi.

Tuy nhiên theo anh Kháng, cuộc sống tại chung cư mini có nhiều bất cập, trong đó có những ẩn họa về cháy nổ khiến mọi người ở đây lúc nào cũng lo lắng. Chưa kể các bất cập về thang máy, nhà xây thấm dột.

"Giờ ở thì lo lắng, bán không ai mua", anh Kháng ngán ngẩm.
Về mặt pháp lý, Luật Nhà ở 2014 chưa nêu khái niệm chung cư mini mà chỉ có quy định về nhà chung cư. Theo đó, nhà chung cư nghĩa là tòa nhà có 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung; có phần sở hữu riêng và sở hữu chung, hệ thống hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân.

Theo quy định, để xây dựng một tòa chung cư phải xin giấy phép xây dựng và đảm bảo quy định về diện tích, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và quy hoạch đô thị. Trên thực tế, địa điểm xây dựng những căn chung cư mini thường trong ngõ nhỏ, xen lẫn các khu dân cư, chủ chung cư thường xin giấy phép xây dựng là nhà ở đơn lẻ sau đó tự thiết kế thành những căn hộ chung cư mini với giá thành vừa túi tiền mà vẫn đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên, một tỉ lệ rất lớn các chung cư mini không đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới việc chủ các căn hộ không thể làm sổ hồng riêng. Khi đó, dù giao dịch chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ được xác lập dưới bất kỳ hình thức nào thì người nhận chuyển nhượng đều không được công nhận quyền sở hữu căn hộ, còn hợp đồng cũng sẽ không được công chứng.

Từ đó, hệ lụy pháp lý là việc cấp sổ hồng cho căn hộ là không khả quan, chủ sở hữu không thể sử dụng giấy tờ để mua bán, thế chấp, vay vốn.

Học hỏi mô hình từ các nước phát triển

Chia sẻ với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, chất lượng căn hộ chung cư mini không đảm bảo khi quy chuẩn xây dựng không được áp dụng.
Về vấn đề quy định PCCC ở chung cư mini quá thấp, các ý kiến cho rằng, cần phải điều chỉnh lại các tiêu chuẩn một cách hợp lý, kỹ lưỡng phù hợp với thực tế, thậm chí là nghiên cứu học hỏi ở các mô hình từ các nước phát triển.

Đại tá Nguyễn Thành Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC và cứu nạn cứu hộ, Đại học PCCC (Bộ Công an) cho biết, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều sơ hở trong quản lý như: Cấp giấy phép một đằng xây dựng một nẻo; cấp phép không quản lý, không thanh tra giám sát; không quản lý trong khi xây dựng; nhiều sai phạm nhưng không được phát hiện điều chỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, Bộ đang đề xuất khi xây dựng căn hộ chung cư phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm PCCC; xây dựng phải có sở hữu chung, sở hữu riêng; bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trong mọi tình huống. Giao cho UBND cấp tỉnh quy định hệ thống hạ tầng giao thông để PCCC có thể vào được; được cấp giấy với từng căn hộ; nếu xây dựng từ 20 căn hộ trở lên phải lập dự án đầu tư, như một dự án bình thường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - nói rằng, yếu tố an toàn tính mạng, tài sản của người dân phải đặt lên hàng đầu.

“Tôi đề nghị sửa Điều 57, dự thảo Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng cần khôi phục quy định của Thông tư 12 năm 2012 cho nhà chung cư mini tính chính danh” - ông Châu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn