MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Đề xuất chuyển đổi số trong quản lý, phát triển nhà ở xã hội

Trần Tuấn LDO | 02/08/2023 11:10

UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần chuyển đổi số trong quản lý, phát triển nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, đảm bảo tính chính xác.

Cần ban hành bộ thủ tục hành chính liên thông

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỉ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Trong báo cáo, địa phương này đề xuất, cần chuyển đổi số trong việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, hiện nay các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội và triển khai các gói hỗ trợ (như gói hỗ trợ 120 nghìn tỉ) vẫn thực hiện thông qua các thủ tục hành chính thông thường, không thực hiện được các thủ tục liên thông (đặc biệt là trong lĩnh vực tín dụng) dẫn đến việc tra soát hồ sơ mất nhiều thời gian và không đảm bảo tính chính xác.

"Cần ban hành bộ thủ tục hành chính liên thông để thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo tính liên thông, kế thừa, chính xác, công khai minh bạch; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, hỗ trợ tín dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội", báo cáo nêu.

Đề nghị xác định giá bán/giá cho thuê/thuê tại khu nhà ở xã hội quy mô lớn

UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy định hiện hành, dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, bao gồm phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng, quy chuẩn xây dựng và các quy định của pháp luật.

Đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ, các công trình hạ tầng xã hội được hợp khối vào công trình chính, dẫn đến tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.

Tuy nhiên, đối với các dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn (hình thành đơn vị ở với quy mô hơn 4.000 người), chi phí đầu tư phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là rất lớn.

Chi phí này được phân bổ vào giá bán/giá cho thuê/cho thuê mua, dẫn đến giá thành cao, không phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của các đối tượng xã hội.

Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sau đầu tư được bàn giao cho cư dân, do Ban Quản trị thực hiện không đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bên trong 1 căn hộ nhà ở xã hội tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Trần Tuấn

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần quy định cụ thể về phương pháp xác định giá bán/cho thuê/cho thuê mua đối với trường hợp các khu nhà ở xã hội có quy mô lớn với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ (có thể quy định việc phân bổ 100% chi phí đầu tư ngoài khu đất xây dựng nhà ở xã hội cho phần kinh doanh thương mại).

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, hiện nay chính sách ưu đãi dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư đã được bãi bỏ bởi Nghị định 35/2023/NĐ-CP; chính sách về đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội còn bất cập… đã được tiếp thu, cập nhật vào Luật Nhà ở sửa đổi.

Trong thời gian chờ Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thi hành, đề nghị ban hành quy định tạm thời một số chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để đảm bảo việc thu hút đầu tư và phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn