MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản cần tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Ảnh minh hoạ: Phan Anh.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản cần "đúng và trúng"

Tuyết Lan LDO | 11/10/2023 18:34

Thị trường bất động sản mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức về dòng tiền và các nút thắt pháp lý... Điều này đã làm suy giảm lòng tin của khách hàng, sự vận hành ổn định, bền vững của các thành phần trong thị trường bất động sản.

Trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.

Tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, có 6 yếu tố chính tác động tới bất động sản, bao gồm: Kinh tế vĩ mô; môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản; quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính; cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch. Trong đó, pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất là nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp bất động sản cần kiến nghị đúng và trúng vấn đề. Đồng thời đề xuất các giải pháp sát thực tiễn để có hiệu quả.

"Doanh nghiệp bất động sản cần quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại; đa dạng hóa nguồn vốn, gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Ngoài ra, cần tập trung phát triển cân bằng các phân khúc thị trường bất động sản, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro; quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính - bất động sản" - TS Cấn Văn Lực cho hay.

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung - giảng viên cao cấp chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định về dài hạn, chuyển đổi số là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản Việt Nam. Để thị trường nhanh chóng bước vào giai đoạn phục hồi, cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của dự thảo Luật Đất đai.

"Với các tồn tại về thuế, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, cần có hướng tiếp cận mới. Việc tính thuế cho nhà đầu tư chỉ nên bắt đầu từ khi dự án đi vào hoạt động, thay vì từ khi có quyết định giao đất. Trong khi thời gian bàn giao đất thực địa có thể bị kéo dài một vài năm sau đó" - bà Nhung cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, giải pháp quan trọng nhất là tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. Đồng thời, sửa các quy định từ luật, nghị định, thông tư không còn phù hợp bởi, việc giao đất nhưng không tính tiền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả Nhà nước và nhà đầu tư.

"Nhiều dự án đã giao đất trên giấy tờ nhưng lại không tổ chức giao đất tại thực địa và không tính tiền sử dụng đất nhiều năm, dẫn đến giá trị tiền sử dụng đất tại thời điểm giao đất trên giấy tờ và trên thực tế quá khác xa nhau. Điều này dẫn tới việc Nhà nước và nhà đầu tư không thống nhất được về giá" - ông Chung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn