MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội từ trái phiếu chính phủ

Đức Mạnh LDO | 28/06/2023 13:12
Giới chuyên gia đề xuất thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội theo kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Singapore... 

Theo TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Cụ thể, nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn. Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Nhu cầu rất lớn nên việc bố trí đầy đủ và quy định giải ngân cần được quan tâm. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - đề xuất cần thêm nguồn vốn tài trợ bền vững cho phân khúc này.

"Đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội rất ít. Điều kiện, thủ tục phức tạp trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít" - ông nói. 

Do đó vị chuyên gia cho rằng không nên áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay. Đặc biệt, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho nhà ở xã hội; Vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương; Vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước; Nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.

Về cơ cấu tín dụng cho vay nhà ở xã hội, có thể 40% cho doanh nghiệp và 60% cho người mua nhà. Khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng phải theo quy hoạch, thiết kế chuẩn...

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết: "Các quốc gia ngay trong khối ASEAN như Singapore, quỹ cho nhà ở xã hội đã phát triển rất hiệu quả. Tôi nghĩ rằng không lý do gì để phát triển những quỹ này để không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách".

Các chuyên gia có mặt tại Hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”. Ảnh: Đức Mạnh 

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - nhận thấy quỹ này rất quan trọng, bởi rất khó để ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp.

Ông nói: "Quỹ này nên xuất phát từ Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Tiền từ trái phiếu sẽ đưa vào quỹ, cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp khoảng 3%. Ngân hàng nhờ đó mới có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn 5% được. Đây là sẽ là giải pháp để tạo ra nguồn vốn quan trọng phát triển nhà ở xã hội, nhưng không dễ để thực hiện". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn