MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã bị "treo" 30 năm. Ảnh: Anh Tú

Điểm mặt 5 dự án “treo” hàng thập kỷ làm khổ người dân TPHCM

MINH QUÂN LDO | 16/07/2022 08:28

TPHCM - Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc, công viên Sài Gòn Safari, ga Bình Triệu, rạch Xuyên Tâm là 5 dự án được phê duyệt cách đây hàng chục năm nhưng đến nay chưa triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng nghìn hộ dân.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

Cách trung tâm TPHCM chỉ vài km nhưng cuộc sống của người dân khu bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) như ở miền quê. Suốt hơn 20 năm qua, hàng nghìn hộ dân bán đảo Thanh Đa phải sống lay lắt trong những ngôi nhà xập xệ. Họ không thể xây mới nhà, sửa cũng không xong, mỏi mòn chờ siêu dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã bị "treo" ba thập kỷ.

Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Ảnh: Anh Tú

Là một trong những dự án bị "treo" lâu nhất TPHCM, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 426 ha, được UBND TPHCM phê duyệt năm 1992. Đến năm 2004 thành phố thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).

Đến cuối năm 2015, một liên danh nước ngoài được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do nhà đầu tư xin rút khỏi dự án. Đến nay, TPHCM vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư.

Khu đô thị Tây Bắc

Cách trung tâm thành phố 30 km, hơn 20 năm qua hàng chục nghìn dân ở dự án Khu đô thị Tây Bắc (thuộc hai huyện Hóc Môn và Củ Chi) sống khổ sở khi nhà đất không thể sửa chữa, tách thửa, chuyển nhượng.

Khu đô thị Tây Bắc được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1998. Toàn dự án rộng hơn 6.000 ha được định hướng thành khu đô thị vệ tinh, trung tâm về phía Tây Bắc của thành phố; đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa... Nhưng sau 24 năm, dự án siêu đô thị này vẫn chưa được triển khai theo quy hoạch.

Hơn 20 năm, dự án Khu đô thị Tây Bắc vẫn là những bãi đất trống, đường sá tạm bợ. Ảnh: Hà An

Cuối năm 2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh giảm quy mô Khu đô thị Tây Bắc từ 6.000 ha xuống 4.410 ha (giảm 1.670 ha).

Nếu được chấp thuận, TPHCM sẽ lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/5.000. Khu dân cư hiện hữu sẽ quy hoạch lại, giúp khoảng 50.000 người dân bị quy hoạch treo nhiều năm được sửa chữa nhà ở, tách thửa, chuyển nhượng đất đai khi có nhu cầu.

Công viên Sài Gòn Safari

Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) với diện tích hơn 485 ha, cách trung tâm TPHCM khoảng 40km.

Tổng số vốn đầu tư cho dự án lên đến 500 triệu USD và được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.

Dự án Sài Gòn Safari bị bỏ hoang. Ảnh: P.V

Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.

Năm 2007 công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96% nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đến nay dự án này đã "treo" 18 năm, đất đai bị hoang hóa.

Cuối năm 2021, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, lãnh đạo huyện Củ Chi có kiến nghị chuyển dự án thành khu công nghiệp kỹ thuật cao.

Ga Bình Triệu

Dự án Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức) được duyệt quy hoạch từ năm 2002 với diện tích khoảng 41ha.

Đến nay, sau 20 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu khốn khổ.

Dự án ga Bình Triệu sau 20 năm vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Minh Quân

Hồi đầu năm 2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ ngành xem xét cơ chế triển khai công tác bồi thường tái định cư nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021-2025 để người dân sớm ổn định đời sống.

Đồng thời, TPHCM cũng đề nghị xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch.

Rạch Xuyên Tâm

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dài hơn 8 km, đi qua quận Gò Vấp và Bình Thạnh, được UBND TPHCM phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỉ đồng.

Đến tháng 3.2016, UBND TPHCM tái phê duyệt dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỉ đồng. Năm 2017, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.600 tỉ đồng và hiện là 9.353 tỉ đồng.

Hiện rạch Xuyên Tâm là một trong những nơi ô nhiễm nhất TPHCM do tập trung đủ các loại rác thải với bao nilông, hộp xốp, xác chết động vật...

Rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn 20 năm qua. Ảnh: Minh Quân

Mới đây, UBND TPHCM đã thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện cải tạo rạch này và giao cho Sở Xây dựng TPHCM làm việc với các đơn vị liên quan để sớm triển khai dự án.

Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9.353 tỉ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án lên tới 4.860 tỉ đồng, với quy mô di dời gần 2.200 căn nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn