MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doạ cắt điện, nước để tạo sức ép khiến cư dân thoả hiệp: Hành vi không đẹp

Anh Tuấn LDO | 13/06/2021 12:05

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định - hễ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thì chủ đầu tư lại "doạ" cắt điện, nước thì đây là hành vi không đẹp, không đúng các quy định của pháp luật.

Hễ tranh chấp là "doạ" cắt điện, nước

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh tình cảnh cư dân tại chung cư Capital Garden (Minh Khai, Hà Nội) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Kinh Đô TCI) làm chủ đầu tư đã phải sống 5 năm trong cảnh không có ban quản trị.

Không những vậy, do những vi phạm trong xây dựng và chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), nên ngay cả việc ký hợp đồng mua bán điện, nước cũng không được.

Trước tình trạng này, phía điện lực phải tạo điều kiện cho cư dân ký hợp đồng tạm thời theo năm để đảm bảo duy trì điện sinh hoạt. Còn với nước sạch, cư dân vẫn phải mua qua chủ đầu tư.

Chủ đầu tư có vi phạm, người dân chung cư Capital Garden không được ký hợp đồng điện nước. Ảnh: T.Hưng

Việc chủ đầu tư không đáp ứng được những quyền lợi chính đáng nên người dân kiên quyết không đóng các khoản phí dịch vụ, gửi xe. Chủ đầu tư cũng chấp nhận việc các hộ không đóng tiền và vẫn duy trì việc vận hành tòa nhà.

Thế nhưng, một hộ dân ở đây nói cứ một thời gian, chủ đầu tư lại cắt dịch vụ điện, nước hoặc không cho cư dân gửi xe. Người dân phải tụ tập phản đối thì mọi việc mới yên ổn trở lại.

Đây không phải trường hợp hi hữu về việc hễ có tranh chấp gì xảy ra giữa chủ đầu tư và cư dân thì phía chủ đầu tư lại mang “vũ khí” cắt điện nước ra để gây sức ép, khiến cư dân phải thoả hiệp.

Mới đây, tại dự án Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư do chưa tìm được tiếng nói chung, một số cư dân đã treo băng rôn trong nhà để phản đối vì chưa hài lòng với tiện ích mà chủ đầu tư cung cấp.

Song, sau khi treo được vài ngày, phía chủ đầu tư đã yêu cầu cư dân phải tháo gỡ, nếu không sẽ cắt dịch vụ như điện, nước của hộ dân.

Trên thực tế, theo phản ánh của một số hộ dân sinh sống tại đây, họ đã bị cắt điện, có hộ bị cắt điện giữa đêm nóng. Phải đến khi họ khi đồng ý gỡ băng rôn, phía chủ đầu tư mới mở lại dịch vụ.

Hành vi không đẹp

Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định - tranh chấp chung cư xuất phát từ hai phía chủ đầu tư và cư dân. Tuy nhiên, nguyên nhân thường xuất hiện vì một số chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật.

Trường hợp cư dân vẫn trả phí dịch vụ điện nước đầy đủ mà cắt dịch vụ điện nước với lý do không chính đáng thì đây là hành vi ứng xử không đẹp, không phù hợp với quy định pháp luật.

Để tránh tình trạng người dân bỏ tiền tỉ mua nhà nhưng vẫn phải “ôm” sự bực bội, theo ông Tuấn – trước khi “xuống tiền”, người dân phải tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, dự án đầu tư, tham khảo tư vấn pháp lý, chi phí không nhiều nhưng an toàn.

"Chi phí tư vấn pháp lý ban đầu rất thấp so với việc bỏ ra hàng tỉ đồng để sau này xảy ra tranh chấp, không bán được căn hộ hoặc căn hộ bị lỗ hoặc theo kiện ở tòa.

Nguyên nhân cơ bản người dân bị vướng vào tranh chấp là chúng ta chưa có văn hóa sử dụng tư vấn pháp lý để quản trị rủi ro cho việc mua bán căn hộ.

Khi người dân muốn đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình thì phải dựa trên cơ sở pháp luật, phải hiểu được ưu thế, hạn chế của mình, đồng thời hiểu được những điểm mạnh, hạn chế của chủ đầu tư, sau đó, dựa trên cơ sở pháp luật để thực hiện yêu cầu quyền lợi một cách hợp lý và hợp pháp", ông Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn