MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân hầu như biến mất trong những năm gần đây. Ảnh: Bảo Bảo

Doanh nghiệp bất động sản cần giảm giá nhà, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận

Bảo Chương LDO | 30/12/2023 17:37

Theo quy luật cung - cầu, do thiếu nguồn cung nhà ở, trong khi nhu cầu rất lớn, nhất là nhu cầu nhà ở giá vừa túi tiền, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong các năm qua với mức tăng giá trung bình trên dưới 10%/năm.

Nhận định về thực trạng hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, mô hình "kim tự tháp" thị trường nhà ở hiện nay bị đảo ngược, mất cân đối, không bền vững. Bởi phân khúc nhà ở bình dân bao gồm nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội đúng ra phải chiếm đa số, tỷ lệ cao nhất nhưng trên thực tế lại quá ít, thậm chí trong 3 năm gần đây không còn loại nhà này.

Trong khi đó, phân khúc cao cấp lại chiếm tỷ lệ lớn nhất đến 70 - 80%, áp đảo dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm méo mó thị trường bất động sản. Đặc biệt, phân khúc nhà ở bình dân các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thậm chí không còn căn hộ nhà ở bình dân trên địa bàn TPHCM.

Trong báo cáo về thị trường bất động sản năm 2023, ông Lê Bảo Long – Giám đốc Chiến lược Batdongsan.com.vn cho biết, giá bất động sản đã không ngừng tăng trong một thập kỉ qua và ngày càng bỏ xa thu nhập của người dân.

Cụ thể, chỉ số tăng giá chung cư Hà Nội và TPHCM đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân khi sau 8 năm, tính từ 2015 đến nay, giá chung cư tại hai đô thị trọng điểm về nhà ở tăng lần lượt là 82% với TPHCM và 56% với Hà Nội. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%. Như vậy, giá nhà TPHCM cao gần bằng 24 năm thu nhập của người dân, giá nhà Hà Nội cao bằng 23 năm thu nhập.

Để có thể giảm giá bất động sản, cơ cấu lại phân khúc, các chuyên gia cho rằng, cần có sự “chung tay, góp sức”, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của rất nhiều đối tượng, thành phần, từ cơ quan quản lý Nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng; xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của bất động sản.

Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi “gây khó” cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án, tránh phát sinh các “chi phí bôi trơn”, vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản, chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cũng cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Hiện một số doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, nhà ở trung cấp đã thực hiện giảm giá bán nhưng mức độ giảm chưa đáng kể, chủ yếu thực hiện chính sách chiết khấu và khuyến mãi, hậu mãi có lợi cho khách hàng nhưng vẫn cố giữ giá cao.

Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu đề nghị các doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không neo giữ giá cao, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng niềm tin thị trường, qua đó tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng yêu cầu các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; tham gia chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch… tại các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn