MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều gam màu sáng. Ảnh: Gia Miêu

Doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực lớn về dòng tiền

Bảo Chương LDO | 28/12/2023 15:50

Trong năm 2024, một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến cuối quý III/2023, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính đạt gần 449.000 tỉ đồng. Con số này tuy đã giảm gần 4% so với hồi đầu năm nhưng vẫn rất lớn cho thấy, áp lực tồn kho chưa vơi bớt và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao khi có tới 2/3 trong số này nằm ở các dự án dở dang, thậm chí chỉ mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hiện tại, dòng tiền “đọng” rất nhiều ở các dự án không đủ thủ tục pháp lý và theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, hơn 70% khó khăn hiện tại liên quan đến thủ tục vẫn khiến cho các doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để bán hàng tạo dòng tiền, nhưng thật sự tiến thoái lưỡng nan.

Sang năm 2024, trong một báo cáo mới nhất về tình hình các doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc thông qua các sắc luật sửa đổi (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai) kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường trong năm 2024. Như trong quá khứ, việc ban hành các bộ luật mới ở giai đoạn 2013 - 2014 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung dự án và hoạt động giao dịch trong các năm tiếp theo.

Đồng thời, các cơ quản lý có cơ sở để bắt đầu đẩy mạnh xử lý, thông qua hồ sơ pháp lý dự án theo điều chỉnh của hệ thống luật mới. Tuy nhiên, VCBS đánh giá, sẽ cần thêm thời gian khoảng 6 tháng đến 1 năm để các quy định mới mang đến tác động thực tế.

Đánh giá triển vọng năm 2024, VCBS cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà bắt đầu điều chỉnh giảm theo mặt bằng lãi suất huy động. Điều này có thể kích thích người mua nhà có xu hướng bắt đầu nối lại các kế hoạch mua bất động sản cho mục tiêu an cư và đầu tư dài hạn.

Đồng thời, nguồn sản phẩm cắt lỗ sâu từ những người mua nhà sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn thị trường sôi động đã được hấp thụ đáng kể.

Về thanh khoản, một số khu vực có thể hồi phục sớm hơn thị trường chung như vùng lõi đô thị tại Hà Nội và TPHCM, phục vụ nhu cầu ở thực của người dân.

Bên cạnh đó là khu vực thành phố tại các tỉnh thành có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao; tiềm năng phát triển công nghiệp và thu hút lao động; kế hoạch phát triển trung tâm hành chính mới và mở rộng quy mô hành chính.

Thị trường dự báo sẽ chưa sôi động trở lại trong năm 2024 do cần chờ thêm những động lực về nguồn cung, giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh mẽ sẽ bắt đầu thể hiện từ năm 2024 giữa các khu vực, phân khúc và doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.

"Các doanh nghiệp quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khôi phục vị thế và quy mô phát triển dự án như trước đó” - các chuyên gia của VCBS đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn