MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp mong sớm có cơ chế đặc biệt để giải cứu hàng trăm dự án bị vướng pháp lý kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: Anh Dũng

Doanh nghiệp bất động sản chờ tháo gỡ ách tắc về pháp lý

Bảo Chương LDO | 02/12/2022 06:37

Tại TPHCM từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp kêu cứu hàng trăm dự án nhà ở vướng thủ tục pháp lý; nhưng số dự án được tháo gỡ rất ít.

Mệt mỏi vì thủ tục kéo dài

Sau 12 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư và 7 năm kể từ ngày chủ đầu tư thực hiện chuyển nhượng nền đất với khách hàng, đến nay, Công ty Anh Tuấn - chủ đầu tư dự án Lotus Residence (quận 7) - vẫn chưa thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính cho dự án, dù hạ tầng đã hoàn thiện, nhà mẫu được duyệt.

Suốt 5 năm qua từ năm 2017, Công ty Anh Tuấn đã chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành, UBND quận 7 để hoàn tất thủ tục hồ sơ về tiền sử dụng đất cho dự án. Công ty cũng đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND quận 7, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT), Sở Tài chính với mong muốn được thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dự án, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Vào tháng 7 vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản gửi Sở KHĐT, Sở TNMT rà soát, xử lý các vướng mắc của chủ đầu tư dự án. Song đến nay mọi việc vẫn chưa được tháo gỡ, chủ đầu tư vẫn chưa được đóng tiền sử dụng đất, để người đã mua dự án có thể xây dựng nhà ở. 

Hay như trường hợp hơn 10 năm, dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức) của Công ty CP địa ốc Thảo Điền chưa triển khai được chỉ vì còn thiếu thủ tục giao đất. Còn dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành, theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây TP thì vị trí khu đất giai đoạn 2 thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND TP chấp thuận đầu tư.  

Đó là những trường hợp điển hình của các dự án phải đắp chiếu vì chưa giải quyết được vấn đề pháp lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc khơi thông dòng vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp là biện pháp thực sự cần thiết để cứu thanh khoản thị trường, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ trước mắt, còn về giải pháp hỗ trợ căn cơ, mang tính bền vững, giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lực, sớm vực dậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn là câu chuyện khơi thông thủ tục pháp lý dự án.

Ngóng thông tin giải cứu từ Tổ công tác

Báo cáo của Hiệp hội bất động sản cũng cho thấy, TPHCM hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Ngoài ra, từ năm 2017, thành phố còn có khoảng 64 dự án bất động sản có nguồn gốc đất công thuộc các trường hợp do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, hoặc do di dời nhà xưởng ô nhiễm, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý nên bị dừng triển khai thực hiện, dừng thi công…khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam nêu quan điểm, thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm. Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp.

Được biết, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với UBND TPHCM để rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.

HoREA cũng kiến nghị, có 3 nhóm cần được đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Nhóm thứ nhất là các dự án nhà ở xã hội, được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất. Nhóm thứ hai là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý. Đây là nhóm dự án không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra, Thành phố cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, cấp bách nhất là hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Nhóm thứ ba là các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh - kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện từ nhiều năm trước, hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, thành phố cần xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn