MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đóng băng khiến doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn để có tiền trả nợ. Ảnh: Gia Miêu

Doanh nghiệp bất động sản đau đầu kiếm tiền đáo hạn trái phiếu

Gia Miêu LDO | 26/05/2023 15:00

Doanh nghiệp bất động sản đang chật vật tìm nguồn vốn để đáo hạn trái phiếu đến hạn vào cuối năm với con số gần 82 nghìn tỉ đồng.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ các báo cáo của HNX và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 19.5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của tháng 5.2023 là 11.191 tỉ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản với gần 5 nghìn tỉ đồng,  nguyên vật liệu là 2.600 tỉ đồng và ngân hàng là khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tình hình khó khăn về dòng tiền đang khiến cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản liên tục xin gia hạn thanh toán. 

Đơn cử như trường hợp của Fuji Nutri Food có hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Công ty có trụ sở chính tại 64 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM. Người đại diện Công ty là ông Lý Trường An. Ngoài ra, ông Lý Trường An cũng là đại diện một loạt công ty bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Bình An, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư An Nhi, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Tân Sơn Bình, Công ty cổ phần Đầu tư Redwood, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Đại Phát, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản QT12, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Gia Hưng, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Đất Sài Gòn…

Công ty này gây chú ý trên thị trường khi vào tháng 8.2022 đã phát hành thành công lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng. Năm 2021, Công ty cũng phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 720 tỉ đồng với kỳ hạn 3 năm. Tuy nhiên, báo cáo về tình hình tài chính năm 2022 vừa được Fuji Nutri Food thông báo thì hoạt động kinh doanh lỗ 8,26 tỉ đồng, trong khi năm trước đó lãi chỉ 35,6 triệu đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đạt 2,72 lần, tăng gần 2 lần so với cuối năm trước. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 2,68 lần, trong khi cuối năm 2021 là 1,4 lần. Và chính vì vậy, Fuji Nutri Food thông báo không thể thanh toán được 15,2 tỉ đồng lãi trái phiếu đến hạn của lô trái phiếu 1.000 tỉ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn về dòng tiền. Ảnh: Gia Miêu 

Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cho phép cơ cấu lại nợ trái phiếu với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa 2 năm, nhiều doanh nghiệp đã khất nợ và xin gia hạn thời gian trả lãi, gốc trái phiếu. Hưng Thịnh Land có các lô trái phiếu đến hạn thanh toán nợ gốc vào tháng 3.2023, đã đại hội trái chủ xin lui 6 tháng, trả dần mỗi tháng một lần, nhưng tháng 4 vừa rồi chỉ trả được 2%, tức bằng 1/10 số tiền lẽ ra họ phải trả các trái chủ. Ngoài ra còn có hàng loạt doanh nghiệp khác như Becamex, Hải Phát Invest, Novaland... cũng đã quá hạn thanh toán và xin gia hạn thêm.

Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mua lại trái phiếu và đã thông báo cho nhà đầu tư, nhưng đến giờ cũng chào thua. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỉ đồng, chia làm 3 đợt kéo dài từ tháng 5.2023 đến tháng 7.2023.

Áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm là rất lớn. Chỉ riêng trong 4 tháng tới, theo dữ liệu từ VBMA cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn lên tới gần 82.000 tỉ đồng. Dòng tiền để tái cơ cấu nợ do vậy vẫn là bài toán khó buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm được lời giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn