MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt nguy cơ bị thâu tóm

Gia Miêu LDO | 03/04/2020 17:47

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, hiện các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trong đó có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trong quí 1/2020, cả nước có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỉ USD bao gồm: 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 710 triệu USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỉ USD.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, tháng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng là khoảng thời gian có lượng nhà đầu tư ngoại rót vốn đầu tư, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao.

Theo phân tích của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia của Công ty chứng khoán (CTCK) VCSC cho rằng thời gian qua thị trường chứng khoán bị tác động lớn do đại dịch COVID-19 nên đã có rất nhiều cổ phiếu trên thị trường rơi về vùng giá rất thấp và không ít giá cổ phiếu rơi quá xa giá trị thật.

Điều này đồng nghĩa với việc mở ra một cánh cửa cho các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực tài chính có cơ hội thâu gom mua được cổ phiếu giá thấp và cổ phiếu doanh nghiệp mà trước đây họ không mua được. Đặc biệt là đối với cổ phiếu của các công ty bất động sản đang đối diện với nhiều khó khăn.

Bất động sản (BĐS) là ngành đang được các chuyên gia đưa ra cảnh báo lo ngại doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, thất bại trước làn sóng doanh nghiệp bất động sản ngoại đổ vào Việt Nam. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) thành phố trong thời gian qua trước làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ xô vào thị trường nhà đất Việt Nam.

Theo TS Trương Huy Mai – RMIT, ở giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp BĐS đang rơi vào tình thế "khó chồng khó". Các doanh nghiệp BĐS trong nước vốn rất mỏng, nên chủ yếu dựa vào quỹ đất mà doanh nghiệp tạo lập được.

Thông thường, trong các liên doanh trước đây, quỹ đất đó gần như mặc định chiếm giá trị 30% của dự án ban đầu, còn khi dự án được mở rộng, nâng cấp, phát triển thì giá trị đất đai đó lại thiếu, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Có hiện tượng đó là bởi khi nhà đầu tư ngoại tăng vốn đầu tư, mà doanh nghiệp nội chỉ có vốn đất bỏ vào, không đáp ứng được luật chơi thì quyền quyết định thuộc về nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có cái nhìn đúng đắn, khách quan về vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường BĐS Việt Nam, cũng như những thách thức đối với doanh nghiệp BĐS trong nước để từ đó có giải pháp phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, đối với thị trường BĐS, khi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào đương nhiên miếng bánh lợi nhuận sẽ to ra, nhưng chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi: không ai cho không ai cái gì, quan trọng là chúng ta có đủ năng lực, kỹ năng để cạnh tranh sòng phẳng với họ hay không.

Nhà đầu tư ngoại rót vốn vào thị trường Việt Nam có tác động tích cực rất lớn, nhưng họ cũng thâu tóm một số doanh nghiệp Việt Nam, chuyện đó có thể xảy ra. Bởi vậy, phải làm sao cho doanh nghiệp trong nước mạnh lên, đó là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp và quan trọng là nhờ cơ chế, chính sách của Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn