MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bất động sản: Dòng tiền là "ôxy", tín dụng là "máy trợ thở"

Phan Anh LDO | 03/10/2021 17:00
Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng cần có hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bất động sản vì đây là ngành kinh tế quan trọng, tác động trực tiếp đến GDP.

Cần tiếp "ôxy" cho doanh nghiệp bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Ảnh: Phan Anh

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá: Hiện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thì dòng tiền là ôxy, việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là máy trợ thở ôxy cho họ.

Trước thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ xấu hơn cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho họ phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: "Thời gian ngành bất động sản không được hỗ trợ, kể cả việc giảm lãi suất cũng không. Trong khi đó bất động sản là "chim báo bão", cũng là "cánh én báo xuân về". Nghĩa là khi bất động sản khủng hoảng thì nền kinh tế khủng hoảng theo, khi phục hồi thì sẽ là tín hiệu phục hồi của cả nền kinh tế".

"Khoảng 4 năm về trước đã có báo cáo đánh giá bất động sản chỉ chiếm 0,21% trong GDP. Trong khi ngành bất động sản vừa là đầu kéo, vừa là lực đẩy khi đảm nhận hai vai trò. Một là thị trường tiêu dùng, một vai trò lại là một ngành sản xuất", ông Châu chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Việt Nam (VREC) cũng đưa ra nhận định: Thời gian qua doanh nghiệp bất động sản chịu rất nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt là những doanh nghiệp vay nhiều. Theo ông Bảo, mấu chốt để tháo gỡ khó khăn thời điểm hiện tại là kiểm soát dịch bệnh thông qua tiêm vaccine và các biện pháp kèm theo.

"Một số doanh nghiệp khi vay nhiều sẽ đặc biệt khó khăn trong thời gian này. Dù Thống đốc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cổ phần tư nhân giảm lãi suất nhưng thực tế giảm không nhiều. Trong khi đó thời gian qua bất động sản không nằm trong nhóm ngành ưu tiên, trong khi đây là một ngành quan trọng, bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển đầu tiên phải có bất động sản, thuê hoặc mua văn phòng, nhà xưởng. Theo tôi khi bất động sản đóng băng, nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng", ông Bảo nói. 

"Hiện tại cộng đồng doanh nghiệp rất mong hết dịch. Để thực hiện điều này đương nhiên phải dựa trên cơ sở chống được dịch, phủ sóng vaccine cho toàn dân. Tôi cũng rất mong thời gian tới Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Có thể không nhiều bằng doanh nghiệp sản xuất nhưng những động thái như giảm lãi hoặc giãn nợ cũng sẽ giúp sức rất nhiều cho doanh nghiệp bất động sản", ông Bảo chia sẻ.

Ngành bất động sản tác động trực tiếp đến GDP

Giới chuyên gia nhận định, bất động sản chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Phan Anh

Trong một nghiên cứu vào đầu năm nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, quy mô ngành bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030 có thể lên đến 22% so với tổng tài sản toàn nền kinh tế.

Theo đó, năm 2020, tỉ trọng bất động sản so với tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỉ USD/986,82 tỉ USD); năm 2025 sẽ là 21,2% (462,7 tỉ USD/2183,09 tỉ USD) và đến năm 2030 là 22% (1232,29 tỉ USD/5601,31 tỉ USD).

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, theo nghĩa mở rộng và ISIC, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%.

Theo nghiên cứu này, sự phát triển của ngành bất động sản sẽ tác động trực tiếp đến GDP. Trong trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10% sẽ kéo theo GDP giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); Du lịch (giảm 0,352%); Dịch vụ khác (giảm 0,348%)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn