MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn cho bất động sản. Ảnh: Hải Nguyễn.

Doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn, cắt giảm lao động

ANH HUY LDO | 09/07/2023 10:00

Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại. Đặc biệt, theo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, phải dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo về việc giảm lãi suất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại các ngân hàng thương mại cho thấy vẫn còn những khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Là một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội trong lĩnh vực bất động sản, chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh T (xin được giấu tên) nói, hiện nay, doanh nghiệp của ông T vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, mặc dù đã là khách hàng nhiều năm vay vốn của ngân hàng.

“Đầu năm nay, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp của tôi phải trả hết nợ khoản vay cũ thì sau đó mới được vay vốn mới. Do đó, tôi đang phải đi vay từ bên ngoài với mức lãi suất cao hơn để có tiền duy trì hoạt động của doanh nghiệp" - ông T nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích 3 nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn ngân hàng dù dư địa cho vay của ngân hàng lớn.

Thứ nhất, thời gian gần đây, ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng thực tế mới chỉ giảm hai lãi suất điều kiện, tức là lãi suất điều hành và lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể. Lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao cho nên động lực vay của các doanh nghiệp chưa có, nhu cầu vay rất hạn chế, trừ trường hợp đặc biệt.

Thứ hai, điều kiện vay cũng chưa điều chỉnh nhiều dù ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, bổ sung các khoản vay tín chấp, nhưng về cơ bản các điều kiện vay vẫn như cũ vì bản thân các ngân hàng cũng phải lo xa khi dự báo nợ xấu đang có nguy cơ tăng lên, ngân hàng không muốn giải ngân ồ ạt.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu vay cũng chưa thực sự cao và cần thiết vì các hợp đồng không có nhiều, nhất là các doanh nghiệp gia công, trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán chưa nóng.

Việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn dẫn đến khó khăn trong triển khai dự án. Ảnh: Cao Nguyên.

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường 6 tháng năm 2023 cũng cho thấy, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.

Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Nợ trái phiếu của nhóm bất động sản vẫn cao nhất

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản là gần 860.000 tỉ đồng. Bất động sản vẫn là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương hơn 100.000 tỉ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn