MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sớm cải thiện nguồn cung nhà giá rẻ cho người có nhu cầu thực. Ảnh: Nam Long

Doanh nghiệp bất động sản than khó giảm giá bán

Bảo Chương LDO | 27/06/2024 13:50

Trong bối cảnh giao dịch giảm sút và niềm tin người mua nhà yếu, các nhà phát triển bất động sản đang cho thấy sự thận trọng thông qua việc duy trì giá bán ổn định và tăng chiết khấu. Một số chủ đầu tư đã tạm dừng các dự án để tinh chỉnh chính sách bán hàng.

Báo cáo chỉ số giá bất động sản Savills Việt Nam mới đây cho thấy, chỉ số giá nhà ở tại TPHCM giảm nhẹ sau khi nhiều dự án bị tạm dừng. Giá bán sơ cấp cũng ghi nhận giảm so với quý trước xuống còn 67 triệu đồng/m2 thông thủy. Tỉ lệ hấp thụ phân khúc nhà ở TPHCM giảm so với quý trước.

Trong khi đó, giá bán thứ cấp chung cư TPHCM trong 6 tháng đầu năm có xu hướng tăng cục bộ với một số dự án trung tâm do sự thiếu đa dạng nguồn cung, giá bán nghiêng về phân khúc cao cấp, hạng sang đang khiến nhiều người mua nhà tìm đến thị trường thứ cấp như một giải pháp thay thế.

Lịch sử giá trên Batdongsan.com.vn ghi nhận, có một số dự án căn hộ ghi nhận giá thứ cấp tăng trong 6 tháng qua, như căn hộ City Garden đang được rao bán giá thứ cấp trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18,2% so với giá bán cùng kỳ 2023.

Sài Gòn Pearl cũng có giá thứ cấp từ 65 triệu đồng/m2, tăng gần 3,5% so với cuối năm 2023. Khu vực TP. Thủ Đức, ghi nhận mức giá thứ cấp tăng tích cực nhất là Masteri Thảo Điền, mức tăng ghi nhận là 10,3%. Một số dự án khác như Masteri An Phú tăng 5,5%, Safira Khang Điền tăng 5%, Sunrise Riverside (Nhà Bè) tăng 4,7%…

Giá tăng một phần phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Hiện nay, nguồn cung bất động sản đang khan hiếm vì nhiều dự án chưa được tháo gỡ pháp lý.

Một dự án đưa ra thị trường giá cao hay thấp - chủ đầu tư đều có các chiến lược nhất định, thông thường, họ sẽ cho đặt trước để đo lường lượng khách hàng quan tâm sản phẩm. Để giá nhà giảm rất khó, vì hiện nay khi thực hiện dự án tốn rất nhiều chi phí, trong khi đó, thời gian thực hiện pháp lý một dự án có khi cũng mất 3 – 5 năm dẫn đến chi phí ngày càng đội lên. Trong khi đó, nhiều dự án đang bị vướng pháp lý nên nguồn cung ít so với nhu cầu của người dân.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện nay, chủ trương của Trung ương, Chính phủ là giảm giá nhà để nhiều người dân có cơ hội tiếp cận được nhà ở vừa túi tiền. Tuy nhiên, tiền sử dụng đất chiếm cấu phần rất đáng kể trong bảng kê giá đầu vào để xây dựng giá thành bất động sản.

Vì thế, việc tính tiền đất quá cao, trong khi các khoản chi phí của doanh nghiệp không được tính đủ sẽ dẫn đến chi phí phát triển dự án bị đội lên cao, khiến giá nhà chỉ có tăng, không thể giảm, bất chấp nhiều nỗ lực của các bên. Cuối cùng, thiệt hại sẽ thuộc về người mua, về lâu dài không có lợi cho thị trường và an sinh xã hội.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp bất động sản rất mong muốn chính sách tính tiền sử dụng đất cần có sự gia giảm hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn