MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản đang bị ảnh hưởng vì những vướng mắc về pháp lý. Ảnh: Bảo Bảo

Doanh nghiệp bất động sản tiến thoái lưỡng nan với dự án vướng pháp lý

Bảo Chương LDO | 10/12/2023 18:32

Không ít doanh nghiệp đang có nhiều dự án bất động sản, nhưng ngặt nỗi, các dự án bị vướng mắc pháp lý không thể tháo gỡ, hoặc ít nhất cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ nên muốn bán dự án để cải thiện dòng tiền cũng không đơn giản.

Theo báo cáo của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2023, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 về quy mô M&A, chiếm 23% trong 4,4 tỉ USD giao dịch toàn thị trường. Năm 2021 và 2022, bất động sản giữ tỷ trọng 17% và 16% về giá trị các thương vụ. Trong số các thương vụ M&A có giá trị lớn nhất, bất động sản chiếm phần nhiều, trong đó các thương vụ lớn này đều do các doanh nghiệp nước ngoài là bên mua.

Nhìn chung, số liệu giao dịch 2023 cho thấy, các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua, và đầu tư bất động sản; trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch. Dẫn đầu thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam vẫn là các nhà đầu tư từ Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, và am hiểu pháp luật địa phương.

Điều này do doanh nghiệp nội hiện vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.

Theo các chuyên gia, số liệu về các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản chính thức công bố thời gian qua chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế có nhiều thương vụ do các bên không muốn công bố hoặc chưa hoàn thiện giao dịch.

Bên cạnh đó, câu chuyện doanh nghiệp bất động sản đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” ngày càng phổ biến, khi sự khó khăn của thị trường chưa dứt, thủ tục pháp lý tiếp tục kéo dài nên dù muốn bán dự án cũng gặp khó.

Kể về câu chuyện khó khăn của mình với phóng viên Báo Lao Động, Tổng Giám đốc một công ty môi giới nằm trong top 10 thị phần ở TPHCM cho biết, doanh nghiệp có đầu tư hơn 300 tỉ đồng để mua một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận từ năm 2019 với nhiều kỳ vọng. Vào thời điểm đó, đã có một số đối tác ngoại muốn mua lại dự án nhưng công ty vẫn muốn phát triển.

Tuy nhiên sau đó, thủ tục vướng mắc kéo dài, dự án không triển khai kinh doanh được. Gần đây, doanh nghiệp gặp khó khăn, đối tác đòi rút vốn nên không còn cách nào khác buộc phải bán quỹ đất. Vị lãnh đạo này chia sẻ rằng suốt nhiều tháng qua, doanh nghiệp tìm đối tác để chuyển nhượng dự án này, mặc dù có nhiều bên quan tâm, nhưng vướng mắc lớn nhất khiến các đối tác không mặn mà chính là pháp lý dự án chưa hoàn thiện. Giờ doanh nghiệp này quyết định bán lại dự án với mức giá chấp nhận lỗ gần 50 tỉ đồng, chưa kể các chi phí phát sinh khác, nhưng xem ra việc bán dự án cũng không dễ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về hoạt động mua bán dự án bất động sản, TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital cho biết, năm nay, thị trường M&A nói chung có chiều hướng đi xuống, nhưng bên cạnh đó, vẫn có những nhóm ngành nhất định thể hiện được sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư như các dự án bất động sản khi giá bán đã chiết khấu ở mức đủ hấp dẫn các nhà đầu tư có tiềm lực nhập cuộc.

Ngoài ra, giai đoạn trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường đòi hỏi pháp lý phải hoàn hảo, nhưng gần đây, cùng với việc bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra các mức giá phù hợp, đồng thời cũng nỗ lực trong việc chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nên có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài đã chấp nhận mức rủi ro nhất định, tức là khẩu vị rủi ro đã tăng hơn một chút, TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn