MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp bất động sản tìm cơ hội trong thách thức

Hiếu Anh LDO | 02/02/2023 06:29
Mặc dù có tới gần 40% doanh nghiệp bất động sản phá sản trong năm 2022, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có nhiều cơ hội phục hồi phát triển.

Phát triển bền vững hơn

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA cho biết, trong năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản chỉ bằng 15 – 20% so với cùng kỳ ở hầu hết các phân khúc. Theo đó, năm qua có hơn 1.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản; nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn. Vì vậy, kịch bản năm 2023 vẫn tăng trưởng nhưng thận trọng. Song đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn lại mình để điều chỉnh hướng phát triển phù hợp.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên NewstarLand cho rằng, thị trường 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ. Các dự án đáp ứng nhu cầu thực, có pháp lý đầy đủ thì mới được chào bán trong năm tới và cộng đồng khách hàng mới quan tâm xuống tiền. Điều này thực chất là đang giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn. 

Theo thông tin của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong năm qua cũng có 8.593 doanh nghiệp về bất động sản thành lập mới, tăng 13,7%; 2.081 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,7%.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, năm 2022 là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Thống kê doanh nghiệp bất động sản giải thể qua các năm. Ảnh: DKRA Group 

Trong nguy có cơ

Lý giải khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai dự án.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế cũng là một trong những lý do khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó.

Hơn nữa, khách hàng mua bất động sản cũng khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp. Điều này đã ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Mặc dù, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải phá sản, giải thể, song số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại cũng khá cao. Điều này cho thấy, cơ hội để doanh nghiệp bất động sản lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2023 vẫn còn rất lớn.

Doanh nghiệp bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội phục hồi phát triển. Ảnh: Hiếu Anh

Để làm được điều này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động điều chỉnh cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, chú trọng vào phân khúc phù hợp. Điều chỉnh các dự án cao cấp tương ứng theo nhu cầu thị trường; rà soát lại danh mục dự án; giữ lại những dự án có khả năng thực hiện được; chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không thể thực hiện được; tập trung nguồn lực cho những dự án đã có giấy phép đầy đủ, pháp lý hoàn thiện, tránh việc đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ triển khai.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lựa chọn ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, để thích ứng với xu thế và hoạt động hiệu quả hơn.

Hội Môi giới bất động sản cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần điều hành lãi suất linh hoạt. Theo đó, các đơn vị cần điều chỉnh giảm với các đối tượng có nhu cầu thực, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tạo cơ chế thông thoáng đối với người dân vay mua nhà ở thực, hạn chế và giảm thiểu tối đa các chi phí liên quan đến thủ tục vay vốn. Nghiên cứu, cung cấp các gói tín dụng đặc biệt nhằm kích cầu và thỏa mãn “lực cầu thực” hướng đến nhóm đối tượng người có thu nhập thấp vay mua nhà để ở, tương tự gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013.

Thông tin thị trường, quy hoạch, sử dụng đất cũng cần được công bố công khai và thường xuyên. Đảm bảo có chất lượng, dễ tiếp cận, dễ sử dụng.

Hơn nữa, các cơ quan nhà nước cần tích cực phòng chống các hoạt động vi phạm pháp luật, lừa dối, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đẩy  giá, thổi giá nhằm trục lợi, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn