MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng cải thiện khả năng tiếp cận dòng vốn mới để hồi sinh các dự án. Ảnh: Bảo Chương

Doanh nghiệp bất động sản tìm vốn triển khai dự án

Bảo Chương LDO | 12/07/2024 15:33

Việc tiếp cận nguồn vốn mới từ ngân hàng hoặc thị trường trái phiếu sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp bất động sản quay trở lại đường đua.

Sau một thời gian nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tại TPHCM, 44 dự án bất động sản trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc đã được tháo gỡ khó khăn.

Chủ đầu tư những dự án này cũng đang rất nỗ lực triển khai, đưa các dự án ra thị trường nhằm tháo gỡ hàng tồn kho.

Đơn cử như, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đang lên kế hoạch khởi động lại 2 dự án trọng điểm là Gem Sky World và DatXanhHomes Riverside.

Trong đó, dự án DatXanhHomes Riverside trước đây có tên thương mại là Gem Riverside, được tập đoàn mua từ nhiều năm trước nhưng bị vướng pháp lý. Đầu năm nay, tập đoàn đã nhận được chấp thuận phê duyệt giá đất bổ sung cho dự án này.

Tương tự, sau khi được gỡ vướng, dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star (TP Thủ Đức, TPHCM) chuẩn bị khởi động lại kế hoạch mở bán. Đây cũng là dự án bất động sản nằm trong danh sách 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng của TPHCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đánh giá, thị trường bất động sản đang chuyển biến tích cực, song thực tế, doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn.

Ông Châu kỳ vọng, trong thời gian tới, khi các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản mới cùng với các nghị quyết liên quan chính thức có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1.8.2024) sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, dự án, từ đó gia tăng nguồn cung sản phẩm cho thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh việc cố gắng cải thiện nguồn cung, hiện nay, vấn đề tiếp cận nguồn vốn mới để triển khai dự án của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang cho thấy chưa có nhiều cải thiện.

Hiện nay, theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tư VIS Rating, các chủ đầu tư bất động sản đang chủ yếu dựa một phần vào dòng tiền trả trước từ khách hàng để tài trợ cho việc phát triển dự án.

Ví dụ, trong quý I/2024, các chủ đầu tư như Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) và Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX) đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể lượng tiền trả trước từ khách hàng.

Tuy nhiên, phần lớn các chủ đầu tư còn lại đều ghi nhận tăng trưởng âm ở khoản mục này, do đó, sẽ cần nguồn vốn vay mới.

Các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng, dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16-18% trong năm 2024, tiếp nối đà tăng từ năm trước.

Tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới của các chủ đầu tư bất động sản cũng ghi nhận sự phục hồi trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt 28.300 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, nhờ hưởng lợi từ tâm lý thị trường cải thiện.

Ngoài ra, các chủ đầu tư niêm yết đã công bố kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong các kỳ đại hội cổ đông gần đây, trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán phục hồi từ đầu năm 2024.

Nếu những kế hoạch này thành công, thì theo đánh giá của VIS Rating, sẽ giúp cho các doanh nghiệp bên cạnh việc có vốn để triển khai dự án mới còn giúp cải thiện được dòng tiền để trả nợ ngân hàng và trái phiếu đang tạo nhiều áp lực lên doanh nghiệp bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn