MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nỗi lo mang tên pháp lý vẫn khiến doanh nghiệp bất động sản mệt mỏi. Ảnh: Nguồn Gotecland

Doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể nhẹ đầu với nỗi lo mang tên pháp lý

Bảo Chương LDO | 18/11/2023 18:16

TPHCM - Các nhà phát triển dự án đều lường được những khó khăn và đã tính con đường để vượt qua nhưng riêng khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường bất động sản thì doanh nghiệp không tính được.

Khó càng thêm khó

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Đức Sơn - Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings - cho biết, với việc vướng mắc pháp lý kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Một phép tính nhỏ, nếu khó khăn như vậy thì thiệt hại thế nào? Như một sơ đồ 4-3-3 trong bóng đá, doanh nghiệp phát triển một dự án khoảng 30% vốn tự có, 30% huy động từ khách hàng và 40% sử dụng vốn vay.

Giả sử, 40% vốn vay ngân hàng mà dự án bị đình trệ trong 5 năm do pháp lý, chính sách chồng chéo, sẽ gây thiệt hại rất lớn. Vốn vay từ ngân hàng hoặc trái phiếu, với chi phí bình quân 15% vốn thì mỗi năm sẽ thiệt hại 6% và trong vòng 5 năm kẹt dự án không triển khai được, doanh nghiệp sẽ bị lỗ 30% và đây cũng chính là phần vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp, ông Ngô Đức Sơn phân tích.

Vậy là, doanh nghiệp chỉ còn lại 30% huy động của khách hàng, dù đã có dự án được cấp phép, nhưng kẹt 5 năm công tác tính tiền sử dụng đất.

Theo ông Sơn, trước đây, doanh nghiệp này bán căn hộ chỉ 30 triệu đồng/m2, trong khi hiện tại dự án bên cạnh bán 50 triệu đồng/m2, nên doanh nghiệp phải đền bù cho khách hàng đã mua dự án, số tiền tương tự.

Điều đó cho thấy, bài toán của doanh nghiệp ở hiện tại là rất khó khi các vướng mắc pháp lý không được tháo gỡ hoàn toàn.

Tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án "đứng hình"

Nói về hàng loạt những vướng mắc về pháp lý mà Hiệp hội Bất động sản đã liên tục kiến nghị trong thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - lấy một ví dụ, đó là vướng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch do quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, theo quy định tại thời điểm thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là thủ tục khởi đầu cho chuỗi thủ tục về đầu tư xây dựng, mà tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án bị đứng hình, không thể thực hiện tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng khác, mà lẽ ra chỉ cần quy định việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch là phải phù hợp với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung thì phù hợp hơn, hoặc chỉ quy định phù hợp với quy hoạch chung tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội áp dụng thí điểm cho TPHCM.

Cách “cải tiến” thủ tục hành chính này chưa sát với thực tiễn, có dấu hiệu không tốt hơn, bởi lẽ trước đây, doanh nghiệp được thực hiện song song các thủ tục đầu tư xây dựng, nay thì hầu như phải thực hiện tuần tự, nối tiếp từng thủ tục hành chính một, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.

Mới đây, UBND TPHCM vừa có báo cáo về tình hình tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Theo đó, đối với các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc dự án bất động sản do doanh nghiệp trực tiếp gửi UBND TPHCM hay do Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến, đa phần đều nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã tổng hợp, kiến nghị UBND TPHCM thời gian qua.

Đến nay, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Hiện TPHCM chia các kiến nghị thành 5 nhóm để giải quyết, trong đó nhiều nhất là nhóm vướng mắc thủ tục đầu tư với 48 dự án và 71 kiến nghị. Trong thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tập trung giải quyết cho nhóm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn