MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp bất động sản đang khát vốn. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn

Bảo Chương LDO | 01/10/2023 12:30

Cái khó cơ bản và lớn nhất của thị trường, của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là thiếu hụt dòng tiền nhưng việc tiếp cận vốn vay lại đang gặp nhiều rào cản.

Khó khăn vẫn đang bủa vây hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, từ doanh nghiệp môi giới đến chủ đầu tư dự án.

Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn tại TPHCM cho biết, thời gian qua, trước những tín hiệu tích cực như vướng mắc thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ, ngân hàng mở rộng hầu bao hơn…, tập đoàn này đã tái khởi động việc mở bán các dự án. Nhưng kết quả không nhiều khả quan do người mua chưa quyết định xuống tiền, dù có quan tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, ngay cả những chủ đầu tư trường vốn cũng dễ gặp khó khăn vì luôn phải có nguồn vốn “gối đầu” cho các dự án. Bởi ngoài vốn chủ sở hữu, chủ đầu tư muốn thực hiện dự án thì cần vốn ngân hàng, nhưng hiện không dễ vay. Cùng với đó, việc tiếp cận tín dụng của người mua nhà cũng gặp không ít trở ngại.

Nhìn chung, các thành viên thị trường đều đang gặp khó khăn, từ chủ đầu tư, đơn vị phân phối tới người mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, mới đây Hiệp hội đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn”.

Theo đó, nên áp dụng quy định này từ ngày 1.10.2024 thay vì ngày 1.10.2023, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn, để cho vay trung hạn, dài hạn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây “rủi ro” về an toàn cho hệ thống tín dụng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN thể hiện sự bất cập, bởi bối cảnh của nền kinh tế hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư năm 2020. Nền kinh tế đang đứng trước thách thức rất lớn, từ tác động của “các cơn gió ngược” tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực bất động sản, do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán.

Bối cảnh hiện tại, có những doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc thậm chí không có nhu cầu vay tín dụng. Riêng đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản thì vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng pháp lý”. Dù rằng, các chủ đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã tạo lập được quỹ đất dự án phù hợp với quy hoạch.

Vướng mắc nằm ở việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, nên chủ đầu tư chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa được giao đất, chưa được cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, phải có Giấy phép xây dựng, dự án phải có tính khả thi thì mới được vay tín dụng.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, theo ông Lê Hoàng Châu, các ngân hàng thương mại nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay tín dụng để bù đắp tài chính. Do đó, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN theo hướng gia hạn thời điểm áp dụng thêm 12 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn