MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình Dương có hàng nghìn nhà máy nằm xen kẽ các khu dân cư. Ảnh: Đình Trọng

Doanh nghiệp chưa đủ sức di dời nhà máy, kiến nghị không áp đặt thời gian

ĐÌNH TRỌNG LDO | 12/10/2023 16:37

Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ở Bình Dương cho biết, hiện nay chưa đủ sức để di dời nhà máy vào khu công nghiệp. Doanh nghiệp kiến nghị không áp đặt về thời gian và giảm thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện.

Đề nghị kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI

Ngày 12.10, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2023.

Tại buổi tiếp xúc, các hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ, tình hình hình chung thị trường xuất khẩu và đơn hàng còn rất nhiều khó khăn.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ cho biết, đơn hàng còn khó khăn cho đến quý II/2024. Đề nghị tỉnh hỗ trợ tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại, để doanh nghiệp được gặp gỡ tìm kiếm đối tác đơn hàng mới.

Đại diện Hiệp hội Cơ điện kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đình Trọng

Doanh nghiệp cơ điện kiến nghị tỉnh Bình Dương kết nối doanh nghiệp FDI trong tỉnh với doanh nghiệp Việt để tạo liên kết tác động lẫn nhau. Doanh nghiệp trong tỉnh có thêm cơ hội tiếp cận thị trường trong nước là các doanh nghiệp FDI. Qua đó, giới thiệu sản phẩm phục vụ cho quá trình xây dựng nhà máy, sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp chưa đủ sức để di dời nhà máy

Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong thời điểm này là việc thực hiện chủ trương di dời nhà máy đang xen kẽ trong các khu dân cư ở phía Nam vào trong các khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Đây là chủ trương được ban hành từ năm 2019. Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2020 đến kết thúc 2030, sẽ có hàng nghìn nhà máy ở Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Tân Uyên phải di dời. Chỉ tạm tính Thuận An đã có khoảng 1.000 nhà máy, Dĩ An có khoảng 3.500 nhà máy.

Tại buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp đều bày tỏ ủng hộ chủ trương vì mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chia sẻ để lãnh đạo tỉnh Bình Dương hiểu thêm về hoàn cảnh của doanh nghiệp và bối cảnh chung để việc thực hiện di dời được hài hòa lợi ích các bên.

Đại diện Hiệp hội Gốm sứ cho biết, thời gian qua, đơn hàng bị sụt giảm, nhiều nhà máy bị đóng cửa. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc di dời nhà máy. Hầu hết nghề này là đều cha truyền con nối, việc di dời sẽ mất lao động vì người lao động không có khả năng về tài chính để mua đất xây nhà chuyển chỗ ở. Kiến nghị tỉnh tính toán cơ chế chính sách, bố trí đất mở cụm công nghiệp ở gần để bảo tồn nghề truyền thống này.

Đại diện doanh nghiệp da giày túi xách kiến nghị. Ảnh: Đình Trọng

Đại diện doanh nghiệp da giày túi xách cho biết, hai năm qua doanh nghiệp đã rất khó khăn trong khi vật lộn với dịch bệnh và hiện tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Doanh nghiệp không đủ sức lực để di dời trong khoảng 5 năm tới. Doanh nghiệp kiến nghị không áp đặt thời gian di dời. Không áp đặt doanh nghiệp phải thực hiện bất kỳ hồ sơ gì xin hoãn việc di dời vì việc này có thể đẻ thêm thủ tục hành chính, rất mất thời gian thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho tồn tại các nhà máy không gây ô nhiễm môi trường đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp

Về việc di dời nhà máy, chủ trì cuộc tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, đây là chủ trương lớn của tỉnh phải thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay mới lấy ý kiến các ban ngành về các tiêu chí (doanh nghiệp nào phải di dời, doanh nghiệp nào ở lại), các chính sách phù hợp làm sao hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp di dời và quy hoạch các cụm công nghiệp. Khi đầy đủ các yếu tố này mới bắt đầu di dời.

Ông Nguyễn Văn Lộc đề nghị các sở ngành tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, không ràng buộc các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn