MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp đua nhau "xẻ thịt" hồ Đại Lải

Nhóm PV LDO | 02/07/2020 14:34

Dù Luật Thủy lợi, Luật Đất đai đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm đối với hồ thủy lợi, tuy nhiên thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngang nhiên san nền, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ trái phép... uy hiếp nghiêm trọng đến hành lang hồ Đại Lải.

Video: Hồ Đại Lải bị nhiều doanh nghiệp đua nhau "xẻ thịt".

 

Gần 16.000 m2 hồ bị lấn chiếm trái phép

Hồ Đại Lải được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân giao nhiệm vụ quản lý cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 5.2018. Sáng nay, 2.7, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Nguyễn Đắc Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết có tình trạng san gạt, đổ đất xuống hồ Đại Lải. Tổng cục Thủy lợi đã nhiều lần về kiểm tra, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc chấn chỉnh. 

Trước đó, vào đầu tháng 2 Tổng cục Thủy lợi đã kiểm tra đột xuất các hoạt động trong ph­ạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc đối với 04 doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ chứa nước Đại Lải.

Theo kết luận kiểm tra số 253/KL-TCTL-PCTTr của Tổng cục Thủy lợi vào ngày 20.2, Công ty TNHH Đại Lải, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng, Công ty TNHH Đạt Tiến đã san nền, đo đất, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ... trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải.

Đáng nói, Công ty TNHH Đạt Tiến đã đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,70m và đã trồng cây cảnh, làm đường dạo bằng bê tông ven hồ.

Tại Kết luận thanh tra số 10/KL-STNMT ngày 2.1.2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cũng khẳng định diện tích hồ bị lấn chiếm lên tới 15.599 m2.

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng cũng có hoạt động đắp đất, ngăn hồ, tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng + 21.70m. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2 ha.

Vi phạm nghiêm trọng kéo dài, cần phải xử lý nghiêm

Bất chấp quy định của pháp luật về thủy lợi, những công ty này đã thực hiện các hoạt động san lấp, cải tạo, mở rộng diện tích nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp. 

Từ các văn bản thanh, kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi cho biết, có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi. 

Việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới mực nước dâng bình thường (diện tích ngập hoàn toàn theo thiết kế) làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 163 Luật Đất đai và khoản 39 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Đắc Long cho biết – trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, diễn ra trong nhiều năm, ngay trong ngày hôm qua (1.7), đoàn kiểm tra liên ngành, gồm các thành phần Tổng cục Thuỷ lợi, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Chi cục Thủy Lợi tỉnh Vĩnh Phúc và một số đơn vị chức năng khác kiểm tra hiện trạng việc san gạt, đổ đất, lấm chiếm hồ Đại Lải. Những vi phạm sẽ được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn