MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp BĐS gặp khó về vốn. Ảnh: A.D

Doanh nghiệp khó đủ đường khi bị chặn dòng vốn

Bảo Chương LDO | 30/05/2022 08:15

Chính sách siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến nguồn cung bất động sản.

Xoay đủ kênh tìm vốn

Phương thức huy động vốn được nhiều doanh nghiệp niêm yết dự kiến triển khai trong năm nay là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp không phải chịu áp lực trả nợ hay cân đối thanh khoản.  Với các doanh nghiệp chưa đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán, việc IPO để huy động vốn từ nhà đầu tư đại chúng cần có thời gian, sự chuẩn bị để có thể thỏa mãn các điều kiện theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Giải pháp nhanh nhất là “bán lúa non” dự án để tập trung cho dự án khác, hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu hay tìm đối tác chiến lược để tăng vốn. Ngoài ra, hiện nay nhiều chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư  rốt ráo huy động vốn bằng các chương trình cam kết lợi nhuận. 

Đơn cử như tại dự án Westgate (Bình Chánh), chủ đầu tư An Gia đang áp dụng chính sách bán hàng khá linh hoạt. Theo đó, người mua chỉ cần thanh toán tối đa 699 triệu đồng và ngưng đến khi nhận nhà vào quý IV/2023 mới thanh toán tiếp. Còn lại, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà, đồng thời, cam kết lợi nhuận lên đến 18%.

Hay như Vạn Xuân Group - chủ đầu tư dự án Happy One Central vừa đưa ra chính sách cam kết lợi nhuận đối với khách hàng mua căn hộ.

Theo đó, khách hàng lựa chọn Happy One Central sẽ được nhận mức cam kết lợi nhuận 15% trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán (tính trên tổng số tiền khách hàng đã thanh toán). Khoản tiền cam kết lợi nhuận, chủ đầu tư sẽ thanh toán một lần trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc 6 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng. Tại thời điểm chi trả lợi nhuận, khách hàng có thể nhận tiền mặt hoặc lựa chọn khấu trừ vào phần thanh toán còn lại của hợp đồng. Số tiền được tính cam kết lợi nhuận là không quá 50% giá trị hợp đồng.

Nhiều tác động 

Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4.2022, không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong khi bất động sản từ trước đến nay luôn thuộc một trong hai nhóm ngành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cao nhất.

Tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ tăng 2,24% so với đầu năm, chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng nói chung ở mức trên 5%. Tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5 này, việc siết tín dụng với bất động sản mới thực sự gắt gao với việc nhiều ngân hàng công khai từ chối cho vay với cả chủ đầu tư và khách mua nhà.

Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp bất động sản, việc từ chối cấp vốn, thậm chí ngắt dòng tín dụng giữa chừng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “suy nhược”, không có chi phí tạo lập quỹ đất, bảo lãnh xây dựng, chi phí triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng đền bù… 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát cho biết, công ty ông đang chuẩn bị triển khai một dự án nhà thu nhập thấp nhưng hiện nay đang khó khăn vì bị siết tín dụng.

Theo ông Dũng, việc thực hiện hồ sơ vay mới của công ty đang gặp khó khăn. Đang cần nguồn vốn để đầu tư phát triển dự án mới và đền bù giải tỏa mặt bằng nhưng thủ tục vay cứ gặp khó khăn, có nơi nói là siết theo chủ trương, có nơi bảo hết hạn mức. Trong thông tin gửi báo chí về thị trường bất động sản tháng 5, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ rõ, chính sách “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung bất động sản.

Việc chặn dòng vốn vào bất động sản một cách đột ngột khiến nhiều dự án không thể triển khai,  càng làm hạn chế nguồn cung nhà ở vốn đang khan hiếm. Từ đó đẩy giá nhà đất tăng cao.

Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quỹ DGInvestment cho rằng, không nên siết toàn diện các chính sách tín dụng, thay vào đó là chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề - đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích.

Đối với thị trường phát hành trái phiếu, nên tiếp tục duy trì, nhưng có những quy định mới, tăng cường kiểm soát, thúc đẩy tính minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ này. B.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn