MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến doanh nghiệp và người dân lo lắng. Ảnh: Cao Nguyên.

Doanh nghiệp khổ vì giá vật liệu tăng, có thay đổi mức giá trong hợp đồng?

CAO NGUYÊN LDO | 20/02/2022 17:59

UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cho phép điều chỉnh giá một số vật liệu bị ảnh hưởng biến động bất thường bởi đại dịch COVID-19 đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng không có có cơ sở để hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu do biến động bất thường này.

Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp trả lời kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cho phép điều chỉnh giá một số vật liệu chủ yếu bị ảnh hưởng biến động bất thường bởi đại dịch COVID-19 đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định.

Về vấn đề này, văn bản của Bộ Xây dựng do ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu rõ, pháp luật về hợp đồng xây dựng không có quy định điều chỉnh giá vật liệu chủ yếu trong trường hợp có biến động bất thường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, Bộ không có cơ sở để hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu do biến động bất thường như kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp tại văn bản số 475.

Trong khi đó về kiến nghị xem xét, đưa vào quy định pháp luật trường hợp biến động giá làm tăng trên 10% giá hợp đồng được xem là bất khả kháng, Bộ Xây dựng cho biết, sự kiện bất khả kháng đã được quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự, khoản 2 Điều 51 Nghị định số 37/2015 ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định, việc xem xét biến động giá làm tăng trên 10% giá hợp đồng là bất khả kháng hay không cần căn cứ quy định trên để đánh giá xem xét.

Trước đó, vào cuối tháng 1.2021, cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng liên quan sớm ban hành hướng dẫn và có biện pháp ổn định giá cả thị trường vật liệu xây dựng để các công trình, dự án đang thực hiện được hoàn thành theo tiến độ, góp phần phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Giá vật liệu tăng cao lo ngại đến tiến độ thi công các dự án xây dựng. Ảnh Cao Nguyên.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm 2021 (so với tháng 12.2020: giá xi măng tăng 2,5%-3%, kính xây dựng tăng khoảng 19%, gạch nung tăng 4%-7%, cát bê tông tăng 9,37%-12,5%; đặc biệt giá thép xây dựng tăng mạnh từ 30% đến 40% tùy theo chủng loại). Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021, giá vật liệu xây dựng cơ bản đã được kiểm soát, có xu hướng ổn định.

Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65%-70% giá trị dự toán xây dựng công trình nên việc tăng giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như hiệu quả của các dự án.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định của pháp luật có liên quan hoặc hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng,… để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng do bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Mới đây, như Báo Lao Động đã thông tin, theo thông báo từ Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép cây và thép cuộn xây dựng đều tăng lên 300.000 đồng/tấn từ ngày 12.2. Tương tự, giá thép Tisco cũng được điều chỉnh tăng trong khoảng thời gian này. Bảng giá cập nhật mới nhất của Tisco cho thấy các loại thép đã vượt mốc 17,3 triệu đồng/tấn, có loại hơn 17,6 triệu đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT).

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, 2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn