MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì các quy định để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Đồ họa: Phan Anh

Doanh nghiệp khốn khổ vì đợi công nhận chủ đầu tư

Tuấn Anh - Bảo Chương LDO | 20/09/2021 13:59
Các doanh nghiệp cho biết, đang gặp nhiều khó khăn vì những quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó, lo ngại về việc sửa đổi, bổ sung luật dẫn đến làm thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN), làm thất thoát tài sản công và nguồn lực từ đất đai bị giới doanh nghiệp phản bác là không có cơ sở.

Doanh nghiệp khốn khổ vì quy định quá cứng nhắc

Chia sẻ với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land (CTCP Đại Phúc Land) - cho biết, các quy định để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại gây rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư về mặt thủ tục pháp lý.

Bà Hương chia sẻ, trên thực tế, một dự án khi lập quy hoạch sẽ có nhiều nguồn gốc đất khác nhau và pháp lý không đồng bộ. Dự án quy mô càng lớn nguồn gốc đất càng đa dạng và như vậy áp lực và thời gian giải phóng mặt bằng càng kéo dài.

Việc quy định dự án phải có "100% đất ở" là quá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế, do đó, sẽ tiếp tục dẫn đến ách tắc về thủ tục pháp lý, thời gian thực hiện kéo dài và thậm chí là bế tắc.

Tổng Giám đốc CTCP Đại Phúc Land chia sẻ, ảnh hưởng lớn nhất là không hoàn tất được thủ tục pháp lý, cụ thể là không được công nhận chủ đầu tư dự án. Vì vậy, các thủ tục pháp lý tiếp theo cũng sẽ bị ách tắc.

Hình dự án Khu đô thị Vạn Phúc của Đại Phúc Land. Ảnh: Bảo Chương

Điều này gây tổn thất cho doanh nghiệp do bị chôn vốn trong dự án, thủ tục pháp lý dang dở, chi phí tài chính ngày càng tăng cao và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Nhìn rộng hơn thì nguồn cung vì thế sẽ tiếp tục khan hiếm, thị trường bị lệch pha cung cầu ngày càng cao, đồng thời áp lực gia tăng về giá cả trên thị trường.

Đối với các dự án đang dở dang đền bù giải tỏa sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, do bị quy định quá khắt khe như trên ràng buộc. Nếu không được tháo gỡ sớm sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng về mặt tài chính, bởi lý do nguồn vốn bị "chôn" vào dự án quá lâu mà không nhìn thấy lối thoát.

Đối với các dự án mới triển khai, quy định này sẽ là rào cản khiến các nhà đầu tư phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Sẽ rất khó và bất khả thi cho các dự án triển khai với quy mô lớn từ vài chục lên đến hàng trăm ha. Trên thực tế, chỉ cần dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của địa phương là đáp ứng được các quy chuẩn chung về mặt pháp lý dự án.

Không có chuyện sửa đổi luật làm thất thu ngân sách Nhà nước

Có ý kiến quan ngại là việc sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014), mở rộng thêm việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có 100% đất nông nghiệp, hoặc có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, thì sẽ dẫn đến làm thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN), làm thất thoát tài sản công và nguồn lực từ đất đai.  

Chia sẻ với PV Lao Động về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch bất động sản TPHCM - cho rằng, quan ngại này không những không có cơ sở, mà ngược lại, chính việc chậm sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) mới là tác nhân làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở thương mại, dẫn đến làm sụt giảm nguồn thu NSNN, làm chậm việc đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Ảnh minh họa: Phan Anh

HoREA cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các luật trên thậm chí còn mang tính tích cực, bởi sẽ làm tăng nguồn thu NSNN, sớm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất đai “tiết kiệm và có hiệu quả”, không làm thất thoát nguồn lực đất đai, thể hiện qua các số liệu thống kê của TPHCM suốt những năm qua. 

"Hiệp hội nhận thấy, chỉ có sớm sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở thì mới khắc phục được việc thất thu NSNN, sớm đưa đất vào sử dụng, không để lãng phí tài nguyên đất đai và phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai", ông Châu nói.

Đại diện Đại Phúc Land cho hay, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý chồng chéo, bất cập kéo dài nhiều năm qua: "Chúng tôi mong muốn có sự xem xét, điều chỉnh một cách toàn diện và mạnh mẽ các quy định về pháp lý dự án hiệu quả hơn, đặc biệt là các sửa đổi liên quan đến Luật Đất đai giúp khơi thông nguồn lực đầu tư, giải quyết bài toán cung cầu thị trường và giúp thị trường phát triển một cách bền vững".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn