MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp mong sớm thông qua chính sách giảm 30% tiền thuê đất

Xuyên Đông LDO | 18/01/2023 17:54

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023. Các doanh nghiệp mong chính sách sớm được thông qua tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh.

Doanh nghiệp mong triển khai sớm

Chia sẻ về thông tin dự thảo của Bộ Tài chính giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp, ông Nguyễn Duy Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Dương vui mừng cho biết, Tập đoàn có nhiều dự án đầu tư vào cụm công nghiệp sẽ được triển khai trong năm 2023. Đây đều là những dự án có sử dụng diện tích đất lớn. Do đó, nếu được hưởng chính sách giảm 30% tiền thuê đất sẽ góp phần tiết kiệm chi phí. Qua đó, thúc đẩy nhanh các dự án từ khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cũng như đưa dự án vào thực hiện. Bản thân doanh nghiệp mong dự thảo chính sách sớm được thông qua tạo đà cho kinh tế phát triển.

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Duy Hồng, ông Hà Đăng Tài, Chủ tịch Liên minh bất động sản Ninh Bình - Hà Nội G35 cho biết, trong năm 2022 mặc dù có nhiều nỗ lực song các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn do trở ngại khách quan, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Không ít các dự án bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng… đóng băng một thời gian dài. Liên minh bất động sản Ninh Bình - Hà Nội G35 hiện có hơn 80 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thì có không ít các đơn vị điêu đứng. Do đó, chính sách giảm 30% tiền thuê đất có ý nghĩa vô cùng lớn với doanh nghiệp bất động sản. Chính sách góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể trụ lại trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ông Hà Đăng Tài hy vọng dự thảo sớm được thông qua trong thời gian sớm nhất nhằm phá băng thị trường bất động sản. Từ đó tạo môi trường thuận lợi trong lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Cần sớm thông qua chính sách giảm 30% tiền thuê đất tạo môi trường thông thoáng trong kinh doanh. Ảnh Hiếu Anh

Tránh tạo độ trễ của thị trường

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay, Bộ đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều đất trong sản xuất, kinh doanh như bất động sản, nông nghiệp, khai khoáng... gặp khó khăn do tín dụng thắt chặt, cầu thị trường giảm. Vì thế, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng năm 2022.

Cụ thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp năm nay.

Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, thì mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.

Được biết, trong năm 2022, số tiền thuê đất được giảm (30%) tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Giảm tiền thuê đất góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh Hiếu Anh

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Đình Hòa, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, bản thân ông rất ủng hộ các chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có chính sách giảm 30% tiền thuê đất cho các doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đề xuất. Điều này thể hiện vai trò điều tiết cũng như chia sẻ khó khăn của Nhà nước với doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tạ Đình Hòa lưu ý, hiện nay, thông tin Bộ Tài chính đề xuất dự thảo chính sách giảm 30% tiền thuê đất đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề này có thể dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư cầm chừng nghe ngóng. Điều này có thể tạo ra độ trễ tạm thời của thị trường bất động sản. Do đó, nhà nước cần sớm xem xét thông qua nhằm tạo xung lực mới cho nền kinh tế, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn